‘Rất khó để tăng học phí như Bộ trưởng Nhạ muốn!’

Mới đây, trả lời trước các đại biểu Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng: “Chất lượng đào tạo các trường đại học (ĐH) hiện nay chưa cao, một phần do học phí thấp”. Phát biểu của Bộ trưởng Nhạ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Pháp Luật TP.HCM có cuộc trò chuyện với PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (ảnh).

Học phí 50 triệu mới dạy “ra ngô ra khoai”

. Phóng viên: Ông nghĩ sao về ý kiến cần tăng học phí để tăng chất lượng đào tạo của Bộ trưởng Nhạ? Liệu đây có phải là thực tế mà các trường ĐH tại Việt Nam đang gặp phải?

PGS-TS Đỗ Văn Dũng

+ PGS-TS Đỗ Văn Dũng: Suốt một thời gian dài, ở nước ta học phí không do các trường quy định mà do Quốc hội, Chính phủ quyết. Trong những năm qua, học phí một phần do gia đình sinh viên (SV) trả, một phần Nhà nước bao cấp. Một SV vào học tại các trường công được hỗ trợ 7,5-8 triệu đồng/năm học.

Lớp học ở nước ngoài, học phí khoảng 15.000-20.000 USD/SV/năm. Với số tiền đó, dù lớp không đông cũng có thể đủ trả tiền lương cho giáo viên, chi phí điện nước, đồng thời đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, thí nghiệm. Trong khi đó, học phí tại Việt Nam ở mức 300 USD/SV/năm đối với các trường chưa tự chủ, còn đối với những trường tự chủ, học phí đã tăng lên nhưng không đáng kể. Học phí thấp cũng khiến SV không nỗ lực học tập vì nếu có rớt môn thì số tiền phải đóng để học lại khá ít.

Thêm nữa, cơ sở giáo dục đào tạo ở TP.HCM khác với cơ sở đào tạo ở các tỉnh. Thế nhưng hiện nay học phí cào bằng, không phân biệt vùng miền.

Giả sử sắp tới đây Bộ GD&ĐT cho tính đúng, tính đủ mức học phí của các trường, tôi cho rằng đối với các ngành nghề kỹ thuật, muốn đầu tư cho ra ngô ra khoai thì học phí phải là 30-50 triệu đồng/năm, bằng với mức các trường tư đang áp dụng. Lúc đó may ra chất lượng đào tạo mới cao được. Tuy nhiên, điều này rất khó triển khai ở Việt Nam.

Nhiều bàn cãi xung quanh phát biểu cần tăng học phí của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ  trong khi nhiều gia đình phải thắt lưng buộc bụng mới nuôi nổi con học đại học. Ảnh: N.QUYÊN

Tăng học phí là con dao hai lưỡi

. Rõ ràng ông cũng đồng tình cần tăng học phí nhưng vì sao ông cho rằng rất khó triển khai?

+ Tăng học phí là con dao hai lưỡi. Bởi môi trường giáo dục ĐH ở Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh không lành mạnh. Hiện trường tôi đã tự chủ, học phí tăng lên 15-17 triệu đồng. Trong khi đó, các trường bên cạnh như ĐH Nông Lâm, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Quốc gia do chưa tự chủ nên mức học phí vẫn khoảng 9 triệu đồng/năm. Nếu trường tính đúng, tính đủ để đào tạo có chất lượng trong khi không nhận kinh phí chi thường xuyên của Chính phủ thì học phí các ngành công nghệ, kỹ thuật dao động 30-50 triệu đồng. Mức phí này rất khó thu hút SV vào trường đã tự chủ, đồng thời cũng khiến chất lượng đầu vào giảm. Vì thế để tăng học phí không dễ chút nào. Bộ trưởng nói tính đúng, tính đủ nhưng thực tế khi các trường đi vào thực hiện rất khó.

. Muốn gỡ khó, theo ông Nhà nước cần làm gì?

+ Để học phí tăng đồng thời chất lượng đào tạo cũng tăng, trước hết Nhà nước cần phải thực hiện tăng cường chính sách tín dụng. Tại Úc và Mỹ, SV được vay tiền không những để đóng học phí mà còn để trang trải cho chi phí sinh hoạt. SV được vay tiền đến khi có việc làm ổn định. Khi đó nhà nước sẽ khấu trừ vào lương.

Thứ hai, các trường ĐH cần cơ chế, chính sách phù hợp. Ví dụ, trường tôi có khuôn viên rộng, tôi chỉ cần phối hợp với các công ty bên ngoài làm các công trình dịch vụ, vừa tạo điều kiện cho SV làm thêm, đồng thời trường lại có nguồn thu từ việc hợp tác kinh doanh nên không cần tăng học phí quá cao. Mặc dù trong đề án tự chủ có ghi rõ các trường được sử dụng đất đai, tài sản để phối hợp, thế nhưng khi thực hiện vẫn vướng các luật về đầu tư công, quản lý tài sản công. Thứ ba, phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh khi học phí đã đủ bù chi. Thứ tư, tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức để thu hút người giỏi về làm việc trong môi trường giảng dạy.

. Xin cám ơn ông.

GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH, ĐH Utah, Mỹ:

Tăng học phí quá cao sẽ gây phân cấp giàu nghèo

Chất lượng của một trường ĐH lệ thuộc vào rất nhiều khía cạnh, kinh phí chỉ là một phần rất nhỏ. Chất lượng đào tạo được quyết định bởi đội ngũ giảng dạy, chương trình đào tạo và môi trường học thuật, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất.

Đối với trường công ở Việt Nam có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và đáp ứng chuyện di dời nguồn nhân lực từ kiến thức thấp lên cao để phát triển kinh tế, nhà trường cần phải đáp ứng được khả năng chi trả của người dân. Nếu tăng học phí lên cao, người dân không có khả năng chi trả thì vô hình trung sẽ phân cấp xã hội, chỉ có người giàu mới được học, người nghèo thì không. Cho nên vấn đề tăng học phí cũng phải cân nhắc.

Coi chừng đụng chạm đến công bằng xã hội

Cần tính toán kỹ vì việc tăng học phí sẽ động chạm đến vấn đề công bằng xã hội. Nếu tăng học phí thì phải phát triển quỹ cho SV vay vốn theo dạng mới, chẳng những vay để trang trải học phí mà còn vay cho cả chi phí ăn ở, sinh hoạt nữa. Mặt khác, hình thức trả cũng phải thay đổi, nếu chưa xin được việc thì chưa phải trả, đi làm lương thấp cũng chưa phải trả. Chỉ khi nào đi làm, lương cao mới phải trả nợ vay cho Nhà nước từng phần và trả trong thời gian kéo dài 10-20 năm.

GS PHẠM PHỤ, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm