Rốt ráo chuẩn bị giáo viên cho chương trình phổ thông mới

(PLO)-  Ngoài những ngành tích hợp, các trường sư phạm tính toán bồi dưỡng, mở mới mã ngành sư phạm mỹ thuật và âm nhạc để đáp ứng theo chương trình mới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong chuyến công tác của Bộ GD&ĐT tại TP.HCM những ngày qua, bên cạnh tháo gỡ những khó khăn chung trong giáo dục TP, nhiều vấn đề về chuẩn bị, đào tạo giáo viên đáp ứng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thảo luận nhiều, nhất là với các môn tích hợp, tin học, mỹ thuật, âm nhạc…

Bồi dưỡng, mở mới nhóm ngành nghệ thuật

Trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT ngày 26-4 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), cho rằng quá trình thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa chưa được chuẩn bị bài bản và kỹ càng, thiếu tính lâu dài về sau, dẫn đến có những lúng túng, hạn chế.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ tự học tại trường. Ảnh: PHẠM ANH

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ tự học tại trường. Ảnh: PHẠM ANH

Ông kiến nghị các trường ĐH Sư phạm cần chủ động và quan tâm đến việc mở các mã ngành đào tạo dạy các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các môn sư phạm âm nhạc, mỹ thuật để sớm có đội ngũ giáo viên có thể đảm nhận chương trình giáo dục mới.

Về vấn đề này, GS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết dự kiến đến năm 2025, trường đảm bảo tăng số ngành đào tạo của toàn trường lên 45 đến 50 ngành, nhất là ưu tiên các ngành đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông 2018. Trong đó, sắp tới trường phát triển hai mã ngành là sư phạm âm nhạc và sư phạm mỹ thuật.

Riêng với những môn học tích hợp, trường đã và đang đào tạo giáo viên các ngành như sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử - địa lý, sư phạm giáo dục công dân, sư phạm công nghệ và một số ngành khác ứng với các môn mới.

Về mở rộng trường phổ thông trong trường ĐH, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD&ĐT, lưu ý rằng theo quy định hiện nay, khi trường ĐH Sư phạm công lập mở ra trường thực hành phải hoạt động theo cơ chế tự chủ. Do đó, trường cần tính toán kỹ nguồn lực, điều kiện tại địa phương và nguồn lực giáo viên để có kế hoạch phù hợp.

Trước đó, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng kiến nghị với Bộ GD&ĐT cho phép những người có bằng cử nhân như CĐ, ĐH chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ 2 (như tiếng Hàn, tiếng Nhật…) nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng kể từ khi giảng dạy.

Bên cạnh đó, đối với người mới chỉ có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp các môn tin học, môn nghệ thuật (như âm nhạc, mỹ thuật) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thuộc TP Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng. Trong 36 tháng, các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Về những kiến nghị này, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục Bộ GD&ĐT, cho rằng bộ ủng hộ những kiến nghị của TP.HCM trong việc bổ sung đội ngũ giáo viên dạy các môn tin học, nghệ thuật. Tuy nhiên, cần tính toán lộ trình hợp lý hơn, như đối với những người đã có bằng chuyên môn đang tham gia giảng dạy nên kéo dài tối đa là 12 tháng để bổ sung chứng chỉ sư phạm.

Mở rộng trường phổ thông liên cấp, phân hiệu

Báo cáo với Bộ GD&ĐT, Hiệu trưởng - GS Huỳnh Văn Sơn cho biết sắp tới, trường sẽ phát triển trường trung học thực hành theo mô hình trường tiên tiến chất lượng cao theo tiêu chí của UBND TP.HCM. Đồng thời, trường sẽ thực hiện phát triển 2-3 phân hiệu mới của trường (hoặc hai phân hiệu và một cơ sở mới) tại Long An và Gia Lai dựa trên thực trạng chung và chiến lược phát triển trường theo định hướng.

Giải thích thêm về vấn đề này, theo Phó Hiệu trưởng Bùi Trần Quỳnh Ngọc, trường mở phân hiệu dựa trên việc sáp nhập với hai trường CĐ Sư phạm ở Long An và Gia Lai vì những trường này thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh và mở ngành đào tạo.

Khi có phân hiệu, trường tiếp tục duy trì đào tạo chuyên ngành thế mạnh hiện có của trường CĐ. Đồng thời sẽ mở rộng đào tạo các ngành phục vụ chương trình phổ thông mới như sư phạm lịch sử - địa lý, khoa học tự nhiên và tiến tới mở ngành sư phạm mỹ thuật, sư phạm âm nhạc, thực hiện bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng nhu cầu ở các địa phương.

Sau đó, ngoài trường thực hành, trường kiến nghị Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho trường mở rộng mô hình trường phổ thông liên cấp, trường mầm non thực hành để có cơ sở ứng dụng và thực hành các mô hình giáo dục hiện đại, thực hành phương pháp giảng dạy.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Lộc, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ GD&ĐT, cho rằng bộ ủng hộ chủ trương mở rộng phân hiệu của trường ở các địa phương nhưng phải trên cơ sở trường cần tính toán kỹ mọi mặt và có lộ trình thích hợp.

Ông Lộc lưu ý rằng khi thành lập đơn vị mới, trường sẽ bị phân tán nguồn lực biên chế trường được cấp hạn chế trong khi dù là phân hiệu nhưng điều kiện hoạt động như một trường ĐH. Thực tế đã nhiều phân hiệu mở ra được vài ba năm lại thu hồi vì không hoạt động được.

Đào tạo giáo viên phải gắn với thực tiễn phổ thông

Làm việc tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đội ngũ giáo viên là yếu tố then chốt quyết định chất lượng, thành công trong đổi mới giáo dục. Để làm được, các trường sư phạm có vai trò đặc biệt, chủ lực, cần có năng lực đào tạo tốt.

Bộ trưởng yêu cầu trường cần tập trung cao độ cho nghiên cứu khoa học giáo dục, công nghệ giáo dục và đào tạo, bên cạnh đó cần đầu tư nhiều vào tính ứng dụng của nghiên cứu đó. Vì trong đổi mới giáo dục phổ thông, phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất, ở bất kỳ môn học nào, không phải chỉ là lịch sử, ngữ văn hay đào tạo dạy học hướng tích hợp nào .

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh công tác đào tạo sư phạm ở các trường cần gắn kết, kết nối khăng khít với trường phổ thông, công tác thực tập thực tế cũng cần thực chất hơn, không chỉ gắn với trường thực hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm