Rủi ro trong lĩnh vực bất động sản tăng cao?

(PLO)- Nhiều ngân hàng thích cho vay để đầu tư bất động sản nhưng khi đại gia địa ốc đang đối mặt với nguy cơ "cháy vốn" để phát triển dự án thì rất có thể "lửa" sẽ lan sang nhóm nhà băng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 8-2022 của World Bank vừa công bố cho rằng, rủi ro tín dụng trong lĩnh vực bất động sản có thể tăng trong bối cảnh phương thức huy động vốn thiếu minh bạch, định giá quá cao và phần nào do tình trạng đầu cơ.

Giá bất động sản nhà ở tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội đã tăng thêm từ 30% đến 60% trong hai năm qua, trong khi tỷ lệ hấp thụ (doanh số bán trên giá trị hàng tồn) tương đối thấp, ngoại trừ ở một số ít phân khúc.

Chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng thị trường bất động sản sáu tháng cuối năm 2022”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng trong những tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại khiến thanh khoản trên thị trường giảm rõ rệt. Chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân”.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng phần lớn giao dịch bất động sản trong hai năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, chứ ít giao dịch của những người mua để ở thực. "Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường BĐS hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp" - TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, với việc NHNN áp dụng các biện pháp thắt chặt hoạt động cho vay bất động sản trong mấy năm qua, các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu quay sang huy động vốn trên thị trường trái phiếu, nhằm tiếp cận số lượng nhà đầu tư đông đảo hơn, bao gồm các nhà đầu tư cá nhân.

World Bank đề cập đến những lệnh bắt giữ vì lý do trình bày thông tin sai lệch và sử dụng kênh phát hành riêng lẻ không đúng mục đích và cho rằng một số ngân hàng được biết đang có quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp bất động sản, làm dấy lên quan ngại về những vấn đề tiềm tàng trên thị trường bất động sản có thể lan sang khu vực ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế tại World Bank, những hành vi sai trái trong quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thao túng trên thị trường cổ phiếu cũng như thị trường trái phiếu bị phát hiện đã làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư. Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành trong quý 1-2022 chỉ bằng một phần mười so với quy mô của cả năm 2021, cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang chững lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm