Cách đây nhiều năm cậu mợ tôi vào Nam đi kinh tế mới. Những ngày đầu chưa có miếng đất cắm dùi, cậu mợ ở tạm trong căn nhà nhỏ người ta dựng trong rẫy để trông cà phê. Ngày thường không nói, nhưng khi Tết đến nỗi nhớ nhà, nhớ quê cứ cuộn lên. Ngồi nhìn nắng pha đầy bụi đất đỏ, mưa rơi trắng rẫy mà lòng buồn khôn tả.
Sau bao năm chăm chỉ làm lụng, kinh tế nhà cậu mợ có khá hơn, dần dần xây được ngôi nhà kiên cố. Nhưng mỗi dịp Tết về lòng vẫn chẳng nguôi ngoai. Mợ bảo ở đây người ta không ăn Tết rộn ràng như ngoài mình. Nói thế có lẽ vì ở đây lâu nhưng mợ vẫn chưa quen được.
Bàn thờ gia tiên ngày Tết của nhiều gia đình miền Bắc. Ảnh: THÙY DƯƠNG
Trước Tết, mợ thường nuôi đàn gà, cuối năm chia cho các em người vài con để tất niên, giao thừa có con gà luộc cúng ông bà. Trong Nam người ta không cúng gà luộc như ngoài quê, khu mợ ở cũng vậy, không ai làm thế. Còn mợ đêm 30 nào cũng lụi cụi thịt gà để đúng giao thừa mang ra sân thắp nhang cúng trời đất. Có lẽ làm như vậy lòng mợ mới thấy Tết, mới nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ quê hương.
Không chỉ nhà mợ mà nhà bác tôi cũng vào miền Nam sống khá lâu rồi. Những năm còn khó khăn, Tết nào bác cũng mong ngóng về quê dù biết là không thể. Ngần ấy năm, ngần ấy cái Tết đã qua nhưng tôi luôn cảm nhận được mùi vị quê hương mà bác gắng giữ gìn.
Cảnh tự gói rồi quây quần bên bếp lửa chờ bánh chín làm tôi thấy nhớ quê cồn cào. Ảnh: Zing
Sài Gòn bây giờ còn mấy ai tự gói, tự nấu bánh chưng ngày Tết, ấy vậy mà năm nào nhà bác cũng gói. Bác gái tất bật đi chợ, đong nếp, đậu rồi tỉ mẩn lau rửa lá dong, còn bác trai ngồi chẻ từng cái lạt... Chiều 30, bác nhặt nhạnh cành cây, gỗ người ta bỏ nhóm lửa nấu bánh.
Cùng mấy đứa cháu ngồi quây quần bên nồi chờ bánh chín, lòng tôi lại nôn nao nhớ về thuở bé, khi ấy tôi cũng ngồi coi nồi bánh mà bố gói lúc chiều. Nồi bánh chưng chính là hương vị ngày Tết xứ Bắc mà bác tôi mang theo và cất giữ cả cuộc đời.
Một anh bạn của tôi quê ngoài Bắc, vào Nam sống được ít năm nay. Có lần trò chuyện anh bảo tôi rằng mỗi mùa Tết về anh không biết phải chuẩn bị Tết thế nào cho giống với ngày xưa. Anh muốn các con mình có được kỷ niệm ngày Tết như ngày thơ anh đã có.
Hoa đào, loài hoa báo xuân xứ Bắc. Ảnh: Internet.
Thực lòng tôi không biết Tết ngày xưa của anh thế nào, nhưng tôi thấy anh mua rất nhiều thứ hoa, nào cúc, nào mai, nhưng không bao giờ thiếu hoa đào. Dù hoa đào ở đất phương Nam này không thắm, không tươi như khi đón xuân đất Bắc, nhưng tôi vẫn mê mẩn nhìn cây hoa đào ấy và nhớ về cây hoa đào mà bố tôi trồng trước sân. Nhớ cả cảm giác chờ đợi từng bông hoa hé nở từ chiếc nụ màu hồng bé nhỏ. Những lúc ấy anh chỉ nhìn tôi rồi cười: “Tết của anh chỉ có nhiêu đây thôi!”.
Có năm, tôi theo người bà con xuống tận miền Tây đón Tết. Chị tôi ngồi chọn những củ hành to cho vào lọ muối, dù người dân miền này ăn củ kiệu. Xong chị nấu thịt đông, đợi nguội rồi bỏ vào tủ lạnh. Chị bảo chỉ lát nữa thịt sẽ đông lại, ăn với dưa hành rất tuyệt. Chồng chị, cũng người gốc Bắc thì rủ chúng tôi đi xin chữ thư pháp. Năm nào cũng đi xin một chữ về treo, mùi mực Tàu, câu đối đỏ khiến anh nhớ về cái Tết mà ông cụ nhà anh còn sống, còn nắn nót viết chữ thư pháp rồi treo lên để đón mừng năm mới.
Nhưng bấy nhiêu vẫn không bằng sự gìn giữ vị Tết Bắc của bà cụ trong xóm tôi. Bà già lắm, nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp thanh cao, sang trọng đầy nho nhã. Bà sống một mình trong căn nhà có lối vào sâu hun hút, hai bên đường đi được trồng nhiều cây. Cuối năm tôi hay sang nhà bà chỉ để hưởng cái không khí yên tĩnh và nghe kể chuyện. Hơi trầu phả ra nồng nàn, nụ cười móm mém, bà chỉ tôi cách quấn rễ hương bài bà phơi đã lâu vào từng cây hương rồi cho tôi vài cây về thắp ngày Tết. Mùi thơm trầm mặc ấy, mùi đặc trưng của hương vị Tết quê tôi thật ấm áp, không thể nào thay thế được.
Còn tôi, tôi giữ được chút gì? Có lẽ chiều nay tôi sẽ ghé chợ tìm mua nắm rau mùi già để mùng một Tết đun một ít nước thơm rửa mặt. Mùi lá mùi để tôi nhớ về ngày cũ, nhớ mẹ tôi sáng sớm nổi lửa đun nước cho bố con tôi rửa mặt. Nghĩ đến đấy, lòng tôi lại: Năm nay tôi ăn Tết xa nhà!