Sáng 9-10, Sở VHTT&DL Bình Thuận, UBND thị xã La Gi và Ban quản lý di tích dinh Thầy Thím đã long trọng tổ chức lễ nghinh thần; rước sắc phong và kỷ niệm 25 năm ngày dinh Thầy Thím được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Theo hồ sơ khoa học về di tích dinh Thầy Thím của Sở VHTT&DL Bình Thuận, truyền thuyết kể rằng, vào thời vua Gia Long, ở Quảng Nam có một vị đạo sĩ tài đức, giàu lòng nhân ái.
Ông được dân làng quý mến vì giúp đỡ người dân rất nhiều. Dân trong làng ao ước có ngôi đình làng để thờ cúng bỗng một đêm sau trận mưa to gió lớn, có một ngôi đình to lớn hiện ra giữa làng.
Vị đạo sĩ bị tố cáo đã dùng tà thuật đánh cắp đình ở làng bên, âm mưu gây loạn. Vua xử ông “Tam ban triều điển” (chọn một trong 3 cách chết xử trảm, uống thuốc độc hoặc thắt cổ) và vợ chồng ông chọn cách thứ ba.
Tái hiện cảnh Thầy Thím bị xử Tam ban Triều điển. |
Khi tấm lụa đào đến tay ông để thực hiện cái chết thì bỗng biến thành rồng nâng vợ chồng ông lên không trung, bay về phương Nam và đáp xuống làng Tam Tân.
Tại đây, vợ chồng Thầy Thím làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Vợ chồng ông cũng trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng những năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo; cứu dân chài trong cơn sóng to, gió dữ; cảm hóa thú rừng là nỗi lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã…
Vợ chồng Thầy-Thím cỡi rồng về làng Tam Tân. |
Sau một thời gian nhận tin Thầy - Thím qua đời, dân làng vào rừng thì thấy 2 ngôi mộ bằng cát trắng được thú dữ vun đắp ở gần nơi Thầy - Thím tạ thế.
Hằng năm, cứ đến ngày 5 tháng Giêng có đôi bạch, hắc hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục canh gác ngôi mộ.
Khi bạch, hắc hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau mộ Thầy - Thím để tưởng nhớ hai con vật tận trung. Tỏ lòng nhớ ơn công đức Thầy - Thím, nhân dân chung sức lập đền thờ ở khu rừng Bàu Cái và chọn ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím.
Khu vực mộ Thầy-Thím và bạch hổ, hắc hổ ngày nay. |
Đến đời vua Thành Thái thứ 18 (1906), nhà vua xem lại án xử trước đây và vợ chồng Thầy - Thím được minh oan, nhà vua ban sắc phong cho Thầy - Thím là “Chí Đức Tiên sinh và Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.
Sắc phong của vua Thành Thái được phục chế. |
Sắc phong có nội dung: “Sắc làng Tam Tân huyện Tuy Lý phủ Hàm Thuận tỉnh Bình Thuận phụng thờ Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần, Trai Tĩnh Dực Bảo Trung Hung Tôn Thần lâu nay rất linh ứng. Nay trẫm gánh vác mệnh lớn, nghĩ đến công lao của Thần, phong cho là Chí Đức Tiên Sinh - Chí Đức Nương Nương Tôn Thần. Cho phép phụng thờ như cũ, mong Thần hãy phù hộ và bảo vệ che chở cho dân đen của trẫm”.
Nội dung sắc phong của vua Thành Thái. |
Lễ hội dinh Thầy Thím ra đời và tồn tại gắn liền với quá trình hình thành vùng đất và con người nơi đây, là dịp để người dân tưởng nhớ và thể hiện lòng biết ơn của cộng đồng đối với công lao của Thầy Thím, người được coi như vị thần bảo trợ, chở che cho dân làng được khỏe mạnh, cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc.
Sự tích Thầy Thím phản ánh khát khao chính đáng của người dân lao động về một xã hội công bằng và hạnh phúc, đề cao tính nhân nghĩa, đạo đức, nhân cách cao cả của Thầy Thím, góp phần giáo dục truyền thống, nhân cách và lối sống tốt đẹp cho mọi thế hệ.
Di tích dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27-9-1997.
Đoàn rước sắc phong |
Hàng năm lễ Tế Thu được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch thu hút hàng chục ngàn du khách khắp nơi. Theo Sở VHTT&DL, mỗi năm dinh Thầy Thím đón khoảng 700.000 khách tham quan, cúng viếng.
Ngoài các nghi thức truyền thống như lễ nghinh Thần, rước sắc phong, lễ nhập điện an vị, thỉnh thực, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia. Lễ hội hằng năm còn có các trò chơi dân gian đậm nét xứ biển như khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, đánh cờ người…
Lễ hội thu hút rất đông du khách đến cúng viếng, tham quan. |
Với giá trị độc đáo trên, ngày 12-1-2022, Lễ hội dinh Thầy Thím được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.