Rút ngắn đóng BHXH xuống 10 năm, lương hưu phải đủ sống

“Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm. Với thời gian đóng như vậy chắc chắn mức lương hưu của người lao động nhận được sẽ thấp hơn nhưng còn có chỗ để họ lo cho cuộc sống…”. Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết như trên về việc cải cách chính sách hưu trí trong Luật BHXH.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người nhận BHXH một lần đang tăng cao.
Ảnh: V.LONG

Không nên nhận BHXH một lần

Theo ông Vũ Quang Thọ, hiện nay mức tiền lương đóng vào quỹ BHXH của người lao động thấp nên lương hưu thấp, không có chuyện cơ quan nào bớt xén tiền quỹ hưu trí cả. Và lương hưu vẫn là chỗ dựa vững chắc cho người lao động lúc về già.

“Chúng ta nhìn thấy lương hưu là thấy cuộc sống về già, mặc dù cuộc sống ở đây chỉ là mức tối thiểu” - ông Thọ nói.

Từng đến các khu công nghiệp và gặp gỡ nhiều công nhân, ông Thọ cho rằng nếu người lao động quyết định nhận BHXH một lần thì về già không còn chỗ nào để bấu víu.

“Tôi có một người bạn làm công nhân cầu đường, nghỉ việc từ năm 1980 nên mức lương hưu hiện giờ chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Anh ấy cho biết dù lương hưu chỉ hơn 1 triệu đồng thôi nhưng còn có cái để xoay xở. Nếu ngày trước nhận BHXH một lần thì bây giờ không còn gì để lo cuộc sống hằng ngày” - ông Thọ nói và khuyên người lao động không nên nhận BHXH một lần.

Cũng theo ông Thọ, để tăng lương hưu, không có cách gì khác là tăng mức đóng vào quỹ hưu trí. Tuy nhiên, việc tăng này chắc chắn khó thực hiện vì sẽ gặp phản ứng gay gắt của người lao động. Nên thời điểm hiện tại, Nhà nước chỉ còn cách điều chỉnh chính sách như trên.

“Việc giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm hay 10 năm không giúp người lao động có cuộc sống đầy đủ trong tương lai nhưng cũng giúp họ trang trải được trong cuộc sống. Còn muốn hưởng mức cao hơn thì phải đóng cao hơn. Hiện nay, cơ chế tham gia bảo hiểm cũng đã mở ra, người dân có quyền được đóng cho cơ quan bảo hiểm mức cao để có thể hưởng mức lương hưu cao hơn…” - ông Thọ nói.

Phải đảm bảo mức sống tối thiểu

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam, cho biết đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH được hiểu là hạn chế người dân nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cần nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách tổng thể.

Theo bà Hồng, vì nếu rút thời gian tham gia BHXH của người lao động xuống còn 10-15 năm nhưng tuổi hưu vẫn ở mức 60 đối với nữ và 62 đối với nam thì không khả thi.

“Tôi ví dụ, một nữ lao động mất việc ở tuổi 45 và có 15 năm đóng BHXH, nếu muốn nhận lương hưu họ phải chờ 15 năm nữa, tức phải đủ 60 tuổi. Trong khi người lao động rất cần tiền thì liệu họ có ở lại với quỹ để chờ mức lương hưu thấp không. Giải pháp này của Bộ LĐ-TB&XH có hạn chế được người lao động rút BHXH một lần không? Tôi cho là không” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng nói.

Để giải quyết bài toán trên, bà Hồng cho rằng Bộ LĐ-TB&XH nên tiếp cận vấn đề theo Nghị quyết 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương, tức hướng tới hưu trí đa tầng, bao gồm trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung. Trong đó, bộ phải nghiên cứu tầng bảo hiểm hưu trí bổ sung để làm sao khi về hưu, người lao động có mức lương hưu đảm bảo mức sống tối thiểu.

“Nếu người lao động tham gia BHXH 10 năm nhưng không đảm bảo mức sống tối thiểu thì Nhà nước phải có chính sách bổ sung tiền, để khi về già họ có mức lương đủ sống. Lúc đó người lao động mới không nhận BHXH một lần, nếu chỉ giảm thời gian đóng như trên thì không giải được bài toán giữ chân người lao động ở lại với hệ thống bảo hiểm” - bà Nguyễn Thị Diệu Hồng góp ý.

Anh Nguyễn Xuân Cường, công nhân xây dựng ở một khu công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, cho biết bản thân anh và nhiều đồng nghiệp khác chắc chắn không làm việc cho đến lúc nghỉ hưu. Bởi tuổi nghỉ hưu đã được nâng lên, trong khi nghề xây dựng đòi hỏi phải có sức khỏe. Nên anh rất đồng tình việc rút ngắn thời gian đóng BHXH.

“Tuy nhiên, tôi vẫn mong các cơ quan chức năng tính toán làm sao để người lao động khi về hưu nhận được mức lương hưu đủ sống, không phải tiếp tục bươn chải lo cho cuộc sống hằng ngày” - anh Cường nói.•

 

Tạo sự cân đối trong mức đóng và mức hưởng BHXH

Việc giảm thời gian đóng vào quỹ BHXH để nhiều người được hưởng lương hưu là nội dung nhân văn, nhằm hướng tới tăng độ bao phủ BHXH, thực hiện sàn an sinh xã hội.

“Đương nhiên, đóng ít thì hưởng ít, chứ đóng ít hưởng nhiều thì không đúng tinh thần thực hiện BHXH có đóng có hưởng. Vì thế, đơn vị ra chính sách cần tính toán cẩn thận để đảm bảo tạo sự cân đối trong mức đóng và mức hưởng để dù đóng thời gian ngắn nhưng lao động vẫn có thể đảm bảo được nhận mức lương hưu tối thiểu để lao động ổn định cuộc sống khi về hưu.

Ông BÙI SỸ LỢI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm