Giờ thì em sẽ đi chăn bò vài tháng, sau đó sẽ khăn gói xuống Sài Gòn luyện thi nuôi ước mơ cho năm sau. Đối với em và gia đình, dù con đường đại học còn xa nhưng Sài Gòn đã không xa xôi, lạnh lùng như họ từng nghĩ trước đó.
Già làng vui vẻ kể với nhiều người về lần đầu tiên đi thành phố: “Tôi đưa con gái đi thi đại học, lo lắm vì hai cha con không biết đường. Tới Bến xe An Sương, mấy sinh viên tình nguyện chạy ra, nói chú cứ để tụi con giúp em, chú yên tâm về đi. Tôi không biết đường, không biết chữ, ở thành phố cũng không lo được gì. Vậy là tôi về. Con Binh Ni được ở nhà người thành phố, họ lo cho nó ăn ở mà không lấy tiền. Người ở đó tốt lắm”.
Kể xong câu chuyện, già làng cười rung vai, mắt ông lấp lánh, ấm áp như nắng sớm vùng biên giới. Nhiều người dân nghe ông kể cũng bật cười.
Binh Ni nói thêm: “Khi em ốm, mấy chị trong nhà còn mua thuốc bắt uống. Nhất định em sẽ quay lại thăm cô chủ nhà để cảm ơn. Cô tên Thúy, nhà ở phường 4, quận 5”.
Rất nhiều người dân ở đây chưa bao giờ đi xa hơn ngôi chùa Khmer ở đầu ấp, thị trấn ở huyện còn chưa đặt chân tới nên Sài Gòn càng xa lạ. Họ chỉ biết đến thành phố qua tivi và qua những câu chuyện của một vài thanh niên bay khỏi làng, tìm đến phố với ước mơ lập nghiệp. Vùng đất đó hứa hẹn sẽ kiếm được tiền nhiều hơn việc làm mướn, nhổ mì, trồng lúa ở vùng biên heo hút, xa lơ xa lắc này. Nhưng ở đó cũng đầy bất trắc, ngột ngạt, có khi đáng sợ.
Song qua câu chuyện của già làng, Sài Gòn đã trở nên gần gũi hơn nhiều. Ở đó còn có rất nhiều người tốt, họ có thể yêu quý, chăm sóc cho Binh Ni và những đứa trẻ khác chẳng khác gì người thân trong gia đình. Những anh chị sinh viên trong ấp của Binh Ni cũng từng được giúp đỡ như vậy trong lần đầu tiên xuống thành phố trọ học. Dù rằng có thể sau đó, họ buộc phải trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương để thích nghi, nhất là phải biết đề phòng người khác để tự bảo vệ mình.
Nhưng vượt lên những bộn bề, bất trắc đó, những người Sài Gòn cởi mở, tốt bụng, rộng lòng vẫn giúp nhiều người mới đến thành phố tự tin hòa nhập với cuộc sống ở đây.
Trở về sau kỳ thi đại học, Binh Ni và cha giúp các thầy cô Trường Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh làm công tác vận động tuyển sinh ngay tại địa phương. Từ ngôi trường này, nhiều em học sinh người dân tộc xuôi xuống Sài Gòn, hy vọng cánh cửa cuộc sống mở ra theo chiều hướng đỡ vất vả, tăm tối hơn.
Binh Ni cũng sẽ như thế, bước chân đầu tiên của em đã được đón nhận bằng yêu thương và chia sẻ của các anh chị, cô chú người Sài Gòn. Mong em hãy cứ tin vào những tấm lòng và tin vào nghị lực chính mình, Binh Ni nhé!
HỒNG MINH