Nhiều ngày qua, tại TP.HCM, những tình nguyện viên của nhóm Sài Gòn Xanh đã rong ruổi khắp các quận, huyện ở TP.HCM để tìm kiếm lại vẻ đẹp vốn có cho TP.
Đăng tải lên mạng xã hội tạo sự lan tỏa
Nhóm Sài Gòn Xanh ban đầu được anh Nguyễn Lương Ngọc (27 tuổi) lấy cảm hứng thành lập từ nhóm Padawara ở Indonesia cũng thực hiện bảo vệ môi trường dưới mô hình này. Về sau nhóm có thêm sự tham gia của bốn thành viên gồm Nhân, Duy, Vĩ và Kiệt. Đến thời điểm hiện tại, nhóm Sài Gòn Xanh gồm năm thành viên quản trị, 12 thành viên chính thức và hơn 100 thành viên biết đến thông qua mạng xã hội.
Vào ngày 8-2, ghi nhận những nỗ lực của nhóm Sài Gòn Xanh, Thành đoàn TP.HCM đã quyết định tặng bằng khen “Đã có thành tích tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP năm 2022” cho nhóm.
Sau mỗi lần thực hiện việc thu dọn rác, nhóm các bạn trẻ sẽ ghi hình lại và đăng tải lên các nền tảng xã hội với mong muốn truyền cảm hứng đến cộng đồng. Các clip đăng tải hành động thiết thực và nhân văn của nhóm Sài Gòn Xanh đã nhận được sự quan tâm mạnh mẽ nên càng có nhiều người đăng ký tham gia.
Theo hoạt động của mô hình, trưởng nhóm Lương Ngọc sẽ liên hệ với UBND phường các quận để nắm rõ những địa điểm bị ô nhiễm. Sau đó, nhóm sẽ lên kế hoạch, ngày giờ tiến hành dọn sạch môi trường. Các tình nguyện viên tham gia phải đồng thuận bằng cách ký tên vào giấy đăng ký tình nguyện. Sau đó, anh Lương Ngọc sẽ tập trung mọi người và hướng dẫn cụ thể việc cần làm để có hiệu suất làm việc tốt nhất. Thông thường buổi làm việc sẽ bắt đầu từ 7 giờ.
|
Nhóm Sài Gòn Xanh đang xử lý rác tại con kênh ở hẻm 154 đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình. Ảnh: THỦY TÂM |
Cứ sau mỗi lần thu dọn, nhóm sẽ mang túi rác đến các xe thu gom rác tại địa phương hoặc gửi tại các điểm tập kết rác của người dân.
Anh Lương Ngọc trăn trở: “Do thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người hiện nay mà môi trường bị ô nhiễm. Vì vậy, mỗi khi dọn dẹp xong, nhóm đều nhờ người dân xung quanh làm một tấm biển nhắc nhở như "đừng xả rác xuống kênh rạch" hay "cấm đổ rác". Tụi mình mong muốn mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, cùng chung tay dọn rác để biến Sài Gòn thành đô thị xanh”.
Thay đổi diện mạo cho TP
Sài Gòn Xanh đã “phủ xanh” nhiều nơi tại TP như chân cầu Suối Nhum (TP Thủ Đức), rạch Xuyên Tâm, rạch Lăng (quận Bình Thạnh), kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ (quận Tân Bình), cùng một số kênh rạch ở các quận 12, Gò Vấp…
Bên cạnh những đóng góp tích cực, nhóm cũng vấp phải một số khó khăn khi thực hiện công việc. Một trong những vấn đề lớn nhất là khâu xử lý rác thải sau khi được đưa lên khỏi kênh rạch, cùng với đó là nguồn chi phí để duy trì hoạt động của nhóm.
|
Con kênh nhiễm bẩn tại hẻm 154 đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: THỦY TÂM |
Anh Nhân (23 tuổi, quê Đắk Lắk), thành viên nhóm, chia sẻ hiện khâu xử lý rác đã được UBND phường hỗ trợ nên đã đỡ hơn rất nhiều. Còn về nguồn chi phí, đa số tình nguyện viên tự trang bị các vật dụng cần thiết. “Lúc trước, các thành viên chỉ mang ủng và bao tay để dọn rác. Sau này gặp những món đồ nguy hiểm như mảnh sành, kim tiêm... nên cả nhóm đã sắm thêm đồ bảo hộ để giữ an toàn. Nhóm mình cũng đang kêu gọi thêm sự hỗ trợ” - anh Nhân nói.
Sinh sống và làm việc ở Bình Dương, anh Kiệt vẫn sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động của nhóm. Anh Kiệt chia sẻ: “Dù di chuyển quãng đường xa nhưng mình cảm thấy rất vui khi góp phần chung tay bảo vệ môi trường cũng như quê hương mình được sạch đẹp, từ đó tạo nên cái nhìn tốt trong mắt bạn bè quốc tế”.
Người dân cảm ơn hành động đẹp của nhóm Sài Gòn Xanh
Sinh sống tại hẻm 154 đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình, gần con kênh nhỏ chảy ra kênh Hy Vọng, anh Lê Duy gửi lời cảm ơn các bạn trẻ trong nhóm tình nguyện đã có những hành động thực tế giúp đỡ bà con.
Tương tự, bà TTL (67 tuổi) chia sẻ khá bức xúc về tình trạng ô nhiễm của kênh Hy Vọng và cho rằng việc làm của nhóm Sài Gòn Xanh khá ý nghĩa. Bà L cho hay: “Ruồi, muỗi ở đây rất nhiều, mùi hôi thối bốc lên rất nồng nặc, thế nên người dân ở đây phải dựng các vách ngăn tạm thời để “chữa cháy”. Dù vậy, theo bà L, hành động dọn dẹp con kênh của nhóm chỉ là tạm thời, cần có giải pháp và ý thức lâu dài của xã hội.