trên các đường phố và trong cả những quán nhậu vỉa hè. Nó hoàn toàn khác lạ với bầu không khí V-League 2014 vừa khởi tranh.
Đây là một hiện tượng thú vị cho thấy, thi thoảng môn thể thao vua ở Việt Nam cũng có tiếng nói nhất định trong đời sống xã hội. Bóng đá đẹp là để yêu và cổ động viên hay người hâm mộ có quyền chọn lựa cho mình một người tình.
Chu kỳ 5 năm
Trước khi U19 Việt Nam tạo cơn sốt, thậm chí là cơn bão trong lòng người hâm mộ thời gian qua, bóng đá Việt Nam thi thoảng cũng từng được chứng kiến sự phấn khích như thế, dù có thể không lớn bằng. Cụ thể, đó là thời điểm trước, trong và sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 với Thái Lan. Trận đấu diễn ra ở Mỹ Đình, Hà Nội, nhưng sự thật là cả nước đã mở hội, sau chiến tích lên đỉnh lần đầu tiên của nền bóng đá xứ sở, tại một giải đấu cấp khu vực.
Những nhà kinh tế học đã chỉ ra rằng, chức vô địch của đội tuyển Việt Nam là gói kích cầu quá lý tưởng, trong bối cảnh lạm phát chạm ngưỡng và một bộ phận đáng kể người dân đang hoang mang, mất phương hướng. Những tiếng cười xuất hiện nhiều hơn trong dịp Tết cổ truyền năm đó. Nói không quá lời, những vụ va chạm, xô xát ngoài đường cũng bớt đi. Và ở đâu đâu, người ta cũng thấy tinh thần thể thao, các sân bóng cỏ nhân tạo mọc lên như nấm sau mưa…
Lật mở lại, tại SEA Games 22 (năm 2003), Văn Quyến và đồng đội cũng từng khiến bao người điên đảo, lăn theo quả bóng tròn ở Mỹ Đình, nhiều người đã tự chắp cánh những giấc mơ, rằng bóng đá Việt Nam một ngày không xa sẽ thống trị khu vực, thậm chí châu lục. Tại Mỹ Đình năm đó, nền bóng đá Việt Nam trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ đầy tài năng, đầy hứa hẹn và nếu có một phép so sánh, Văn Quyến và đồng đội còn được kỳ vọng lớn hơn U19 lúc này.
Cũng bằng với 5 năm trước đó nữa, Tiger Cup 98, với trận chung kết nghẹt thở trên sân Hàng Đẫy với Singapore. Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam lọt vào một trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á, trong kỷ nguyên mở, đã tạo cơn sốt thực sự trong lòng người hâm mộ. Ở Hàng Đẫy, bóng đá Việt Nam giới thiệu “thế hệ vàng” đang vào độ chín, lứa cầu thủ từng giành quyền chơi trận chung kết SEA Games 18 trước đó không lâu (Chiang Mai, Thái Lan năm 1995).
Tiền lệ là do con người tạo ra, nhưng với bóng đá Việt Nam, điệp khúc về nhì thậm chí đã trở thành một thuộc tính. Nền bóng đá từng chứng kiến bao cảnh bể dâu rồi, ngay trong thời điểm được kỳ vọng nhiều nhất, chúng ta lại dễ thất vọng nhất. Những trải nghiệm như thế khiến tình yêu cũng dè dặt hơn với cụm từ bóng đá. Nói thế để thấy rằng, ngay cả khi U19 Việt Nam đang làm được những điều kỳ diệu, thì mọi chuyện cũng chỉ mới bắt đầu.
Muốn đo sự hiệu quả của một chiến dịch, đặc biệt là chiến dịch làm bóng đá, chúng ta luôn cần đến nửa thập niên (bằng với chu kỳ đào tạo cơ bản một lứa cầu thủ) mới biết đích xác được. U19 Việt Nam có thể đang là một tập thể đoàn kết, với lối chơi nhuần nhuyễn được lập trình. Nhưng những e ngại về việc “những đứa trẻ của bầu Đức” sẽ khó thể thích nghi trong môi trường khác, khi họ bị xé lẻ ra và không còn được chơi bóng cùng nhau, là rất hiện hữu.
Không còn là chuyện riêng của bầu Đức?
Sau thành công bước đầu của lứa cầu thủ trẻ U19 Việt Nam, mà gần nhất là cơn sốt tình yêu trong lòng người hâm mộ ở Thống Nhất, VFF và bầu Đức đã thống nhất với nhau về một kế hoạch tập huấn vĩ mô ở Anh, Bỉ và Nhật Bản. Quyền chủ tịch VFF, Lê Hùng Dũng, cũng thông bao rằng, tổ chức này và cao hơn là Tổng cục TDTT cũng sẽ hỗ trợ tối đa để đổi bóng trẻ gánh vác sứ mệnh lịch sử của nền bóng đá. Tức về cơ bản, U19 Việt Nam không còn là chuyện riêng của bầu Đức.
Dễ tưởng tượng VFF đã có ý vơ vào, khi sản phẩm của Học viện HA.GL Arsenal JMG nói thẳng ra, là những toan tính riêng của ông bầu phố núi, chứ đâu phải chuyện của VFF?! Nếu được, nền bóng đá luôn dang 2 tay chào đón “những đứa trẻ của bầu Đức” cho những đóng góp vào sự phát triển chung, nhưng VFF thì không. “Thấy vui thì vỗ tay vào, họ (VFF) chỉ biết gặt, biết hái, chứ đâu biết trồng, đâu biết chăm bón”, một ý kiến nói lên tất cả sự bất nhẫn.
Ngoài đầu vào cao hơn thông lệ, chất lượng đào tạo của Học viện HA.GL Arsneal JMG, về cơ bản là khá ưu việt. Đó là điều kiện cần, để chúng ta đã lại vừa được chứng kiến lối chơi đầy mê hoặc tại sân Thống Nhất, mà “những đứa trẻ của bầu Đức” là những diễn viên chính. Nhưng, với năng lực hữu hạn của người Việt Nam trong môi trường thể thao đỉnh cao, e những tiêu chí hay chuẩn mực ban đầu mà bầu Đức theo đuổi, khó thể thành hiện thực được.
Theo chia sẻ, bầu Đức khẳng định HA.GL Arsenal JMG không đào tạo cầu thủ để giúp HA.GL của ông vô địch V-League. Việc sử dụng hay bán cầu thủ như thế nào, bản thân ông Đức cũng không thể tự quyết định được, mà phải thông qua đối tác Arsenal và JMG toàn cầu. Và nếu không thể xuất khẩu cầu thủ đến trời Âu hay thị trường Đông Bắc Á, bầu Đức sẽ phải quay lại với Đông Nam Á hay gần nhất là V-League. Đó là lúc chúng ta biết đích xác được chất lượng sản phẩm.
Như Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã đề cập, môi trường bóng đá chuyên nghiệp hẳn phải là bước bắt buộc tiếp theo, khi “những đứa trẻ của bầu Đức” ra trường. Chuyện tạo điều kiện học Đại học, để biến cầu thủ của mình trở thành nhũng tỷ phú chữ nghĩa khả thi, nhưng không khả quan, với sự nghiệp của cầu thủ. Ông Đức dù nâng niu cỡ mấy, cũng không thể phá vỡ cấu trúc đào tạo và câu hỏi đặt ra lúc này là, môi trường chuyên nghiệp nào tiếp theo để họ phát triển?!
“Trong giai đoạn đào tạo cơ bản, cầu thủ trẻ Việt Nam mới chỉ được dạy cách chơi với quả bóng và chơi cùng nhau, kiểu theo tổ, theo nhóm, chứ chưa được hướng tới việc làm thế nào để hiệu quả, để chiến thắng đối thủ. Môi trường bóng đá chuyên nghiệp hay các giải đấu lớn hơn về tầm vóc, sẽ cho người trẻ những trải nghiệm, những bài học và qua đó, hy vọng họ sẽ còn tiến bộ hơn nữa. Chúng ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và kỳ vọng vào một thế hệ cầu thủ có chất lượng”, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, đương kim thuyền trưởng CLB Hà Nội.T&T và vẫn được xem là chuyên gia đào tạo trẻ, ông Phan Thanh Hùng, chia sẻ. |
Theo Trần Hải (TT&VH Cuối tuần)