Các hình ảnh tang thương của những nạn nhân đẩy cảm xúc của nhiều người đi quá giới hạn bình thường.
“Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này/ Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây…”. Câu hát cũ như xác định các hình ảnh buồn bã về bà cụ còn co ro trong tấm khăn mỏng cứng đờ tấp vào một mé sông, về người mẹ đã gồng lưng che cả trái núi đất đổ xuống con mình, về đứa bé ba tháng tuổi đã không còn cười rạng rỡ mặt trời lần nào nữa…
Ai trong số 102 người chết và mất tích vì mưa lũ ấy cũng có một quá khứ, một gia đình và những hy vọng. Chỉ khác biệt là phần lớn họ sống tại những nơi thường xảy ra thiên tai, khó khăn khi tiếpcận và cứu hộ, như phần dễ tổn thương nhất họ đã tổn thương. Và sẽ buồn gấp bội nếu sự mất đi của họ chỉ gợi nên sự bàng hoàng chốc lát mà không phải là những bài học, những chính sách bảo vệ tốt hơn, những hành động quyết liệt hơn.
Nỗi đau khủng khiếp chưa từng thấy ở Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình. Ảnh: XUÂN TUẤN
Những con số ấy không phải là duy nhất và nhiều nhất, thử giở vài tư liệu về thống kê lũ lụt ta sẽ thấy. Trong các năm 2002 và 2007, lũ quét làm chết 82 người, thiệt hại gần 2.000 tỉ đồng ở Hà Tĩnh. Năm 2010, Hà Tĩnh phải gánh chịu liên tiếp hai trận lũ, làm 51 người chết, tổng thiệt hại về tài sản ước tính 6.374 tỉ đồng…
Dẫu biết tính chất bão lũ ở miền Trung khác với bão lũ ở miền núi phía Bắc nhưng xét cho cùng, một phần nguyên nhân của thiên tai nặng nề này là như nhau: Những cánh rừng nguyên sinh đã bị “cạo trọc”... Do đó khi có mưa lũ, tấm chắn rừng đã không còn nữa nên hậu quả mới khủng khiếp như vậy.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng nói: “Không bao giờ coi rừng là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên, rừng. Đơn giản, Rừng đối với họ (người Tây Nguyên) là Tất cả, là Mẹ, là cội nguồn của sự sống”.
Và như thế, trong mỗi mạng người bị mất đi có phần lỗi của chính tôi khi mê mẩn một khung cửa gỗ tự nhiên chạm đẹp nào đó. Là phần lỗi của việc bao nhiêu năm xem việc khai thác gỗ, chặt rừng là một ngành công nghiệp lớn.
Và như thế, mắt của những em bé vùi trong đất đỏ còn ám trên các biệt phủ toàn gỗ quý được hình thành một cách đầy ám muội. Và như thế, những xác người trên sông có góp tay của những kẻ đã phù phép mất hàng trăm, hàng ngàn hecta rừng…
Để những tiếng cười em thơ còn vang, để hạnh phúc còn đậu lại được ngay cả ở một xóm núi xa không chỉ là chuyện nâng cao các phương án di dời, sơ tán, các biện pháp bảo vệ cho người dân ở vùng dễ bị tổn thương bởi thiên tai mà còn là việc nuôi dưỡng một ý thức xanh. Một chính sách xanh, một giải pháp triệt để hơn mới là tình thương lớn nhất cho đồng bào chứ không phải sự đau xót, bàng hoàng rồi sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy.