HLV Park Hang-seo đã đưa sang Thái Lan 25 cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi và theo đánh giá của VFF, tất cả đều thể hiện tinh thần nỗ lực cùng sự tập trung cao độ nhằm trụ lại trong danh sách chính thức 23 cầu thủ. Ông thầy người Hàn Quốc sẽ chờ đến phút cuối cùng mới đưa ra quyết định loại hai cầu thủ.
Ban tổ chức một ngày trước đã thông báo danh sách của 16 đội tuyển U-23 quốc gia tham dự giải châu Á mùa này. Theo đó, ông Park đã sớm gạch tên trung vệ Trần Đình Trọng và tiền đạo Nhâm Mạnh Dũng.
HLV Park Hang-seo vẫn còn thời gian để chốt lại danh sách cuối cùng 23 cầu thủ. Ảnh: AN
Theo quy định 10 ngày trước giờ bóng lăn, các đội phải gửi danh sách tối đa 23 cầu thủ cho AFC để kịp triển khai các thủ tục liên quan đến công tác tổ chức. 16 bản danh sách này đã đăng tải trên website của AFC, trong đó xác nhận U-23 Việt Nam không có tên của Trần Đình Trọng và Nhâm Mạnh Dũng.
Đây là điều không có nhiều bất ngờ bởi tại thời điểm gửi danh sách cho AFC, ban huấn luyện đã căn cứ vào tình trạng sức khỏe cũng như phong độ của các cầu thủ để lựa chọn. Đình Trọng mới trở lại tập luyện sau thời gian dài bị chấn thương nên bất lợi hơn so với các cầu thủ chơi ở cùng vị trí, trong khi Mạnh Dũng là cầu thủ trẻ vẫn trong diện còn theo dõi, đầu tư cho tương lai.
Nhưng điều này không đồng nghĩa là Đình Trọng và Mạnh Dũng nằm ngoài cuộc đua chiếm vị trí chính thức tham dự vòng chung kết U-23 châu Á 2020 vì vẫn chưa đến thời hạn cuối cùng cho phép các đội thay thế cầu thủ. Do vậy, trong quỹ thời gian từ nay đến trận ra quân ngày 10-1, nhân sự của U-23 Việt Nam hoàn toàn có thể điều chỉnh để đảm bảo những gương mặt có phong độ cao nhất, phù hợp nhất với lối chơi của thầy Park sẽ góp mặt. Theo VFF, cơ hội vẫn đang rộng mở cho tất cả.
Trung vệ Đình Trọng (bìa phải) vẫn tham gia tập luyện bình thường với đồng đội tại Thái Lan. Ảnh: AN
Thầy trò Park Hang-seo chiều 3-1 có trận đá tập đóng kín cửa với đội tuyển U-23 Bahrain. Đây cũng là trận tổng duyệt của U-23 Việt Nam trước khi chọn ra 23 gương mặt xuất sắc nhất.
Ông thầy người Hàn Quốc tiết lộ việc chọn đối tượng giao hữu U-23 Bahrain là nhằm giúp học trò quen thuộc hơn với cách chơi của các đối thủ đến từ Tây Á khi vào giải chính thức. U-23 Việt Nam đá hai trận đầu gặp hai đội mạnh của Tây Á là tuyển U-23 UAE (ngày 10-1), U-23 Jordan (ngày 13-1) trên sân Chang Arena của tỉnh Buriram. Trận cuối vòng bảng D, thầy trò ông Park gặp đội U-23 CHDCND Triều Tiên (ngày 16-1) tại thủ đô Bangkok.
U-23 Việt Nam đặt mục tiêu ban đầu vượt qua vòng bảng tại giải U-23 châu Á mà hai năm trước, thầy trò ông Park gây địa chấn với ngôi á quân. Ảnh: AN
Ông Park không ngần ngại tiết lộ mình có nhiều kinh nghiệm đối phó với những đối thủ quen thuộc ở vùng Tây Á. Riêng với đội bóng Triều Tiên, ông và các cộng sự nghiên cứu họ trong hai trận đầu của giải. Thầy Park tự tin sẽ đưa học trò vượt qua vòng bảng và hứa làm vui lòng người yêu bóng đá Việt Nam.
Mục tiêu cuối cùng của tuyển U-23 Việt Nam tại vòng chung kết U-23 châu Á là lọt vào tốp 3 đội mạnh nhất để lấy một vé chơi Olympic Tokyo vào tháng 8-2020. Giả sử U-23 Nhật Bản vào bán kết, có nghĩa khu vực châu Á có đến bốn suất dự Thế vận hội.