SGK lớp 1 có ‘sạn’, trách nhiệm hội đồng thẩm định ở đâu?

Trả lời báo chí về trách nhiệm để “sạn” xuất hiện trong sách giáo khoa (SGK), ông Mai Ngọc Chừ, Phó Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định SGK Tiếng Việt 1, cho rằng nhóm tác giả phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những “hạt sạn” trong cuốn sách đó vì hội đồng đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả vẫn giữ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, Điều 32 Luật Giáo dục mới năm 2019 vừa có hiệu lực nêu rõ: Hội đồng quốc gia thẩm định SGK do bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Câu trả lời phản ánh thái độ làm việc qua loa

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cho rằng câu trả lời của ông Mai Ngọc Chừ gây phản ứng dữ dội trong dư luận. Nếu nói như thế cho thấy ông Chừ chưa nắm được nhiệm vụ của hội đồng thẩm định, đó là thay mặt Bộ GD&ĐT, thay mặt Nhà nước, cho phép hay không một bản thảo SGK ra đời.

Một hội đồng như thế, theo ông Vinh, cần phải truy cứu trách nhiệm, vì hội đồng là cấp cuối cùng tham mưu ký văn bản chấp thuận nội dung SGK để bộ trưởng ra quyết định. Hội đồng hời hợt như vậy thì chất lượng SGK bị dư luận có ý kiến như vừa rồi (Tiếng Việt 1 Cánh diều) là chuyện không quá khó hiểu.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh, việc để bộ sách bị “sạn”, trách nhiệm cao nhất vẫn phải thuộc về Bộ GD&ĐT, cơ quan được Nhà nước, Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện cải cách giáo dục. Sau đó, hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm cùng với chủ biên, tác giả bộ sách.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9, TP.HCM trong một tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thực ra nói “sạn” là cách nói nhẹ nhàng, còn đối với văn bản giáo khoa yêu cầu phải đáp ứng là không có bất cứ lỗi nào, dù nhỏ. Trong khi đó, sách Tiếng Việt 1 Cánh diều thì nhiều lỗi, nhiều “sạn”. Bên cạnh đó, nội dung không an toàn cho tư duy trẻ, ngay cả một số truyện ngụ ngôn phỏng theo tác giả nước ngoài cũng sai tác giả gốc, ví dụ một số truyện ngụ ngôn được ghi là của Lev Tolstoy nhưng thực ra chúng đã được dịch từ truyện ngụ ngôn Aesop (Ê-dốp) ra. Với tập sách dày đặc “sạn” như thế không cách gì nói sẽ chỉnh sửa được, mà như thế cũng không thể cho con trẻ tiếp cận. Cần phải có một quyết định dứt khoát: Thu hồi bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh diều.

Hội đồng thẩm định SGK phải chịu trách nhiệm

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục, cho rằng nếu như có một hội đồng quốc gia thẩm định SGK mà nói tác giả phải chịu trách nhiệm là sai. “Chỗ này hình như Hội đồng quốc gia thẩm định SGK chưa xác định được trách nhiệm của mình” - ông Nhất nói.

“Với trẻ con lớp 1 học theo SGK Tiếng Việt 1 Cánh diều, gặp những từ ngữ có khi người lớn còn chưa hiểu, thậm chí nhiều phụ huynh còn phải đi tra từ điển, thì rõ ràng điều đó không phù hợp, tức là chưa đảm bảo chất lượng của SGK.

Tôi nghĩ với các phản ứng của xã hội, các bên liên quan cần có một thái độ lắng nghe. Trong năm học này, chúng ta cần rà soát lại để làm sao có tài liệu hướng dẫn gấp nhằm có thể thay đổi điều gì đó để không còn gây phản ứng trong xã hội” - chuyên gia giáo dục nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm nếu có vi phạm về SGK lớp 1

Sáng 13-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri hội viên Câu lạc bộ Bạch Đằng, TP Hải Phòng. Về vấn đề SGK, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu những vấn đề mà cử tri và đại biểu đã nêu và sẽ có công bố chính thức để rút kinh nghiệm, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

“SGK và sách tham khảo “đụng” đến từng nhà, từng gia đình nên cần phải tiết kiệm cho người dân. Sách tham khảo, SGK phải phù hợp với văn hóa Việt Nam, với trẻ em Việt Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cần xem xét trên tinh thần cầu thị

Quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ SGK lớp 1 theo chương trình mới rất công phu nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”.

Sau một thời gian thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh diều. Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT NGUYỄN HỮU ĐỘ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm