Chiều 24-3, tại buổi họp báo thường kỳ quý I năm 2017 của Bộ GD&ĐT, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho hay, chương trình - SGK mới vẫn sẽ áp dụng từ năm học 2018-2019 theo đúng kế hoạch đề ra trong nghị quyết của Quốc hội.
Theo GS Nguyễn Minh, sách giáo khoa vào chương trình mới sẽ đề cập nhiều hơn tới vấn đề giới tính. Các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học.
GS Thuyết cũng cho rằng việc bảo vệ trẻ em không chỉ nằm ở chương trình giáo dục tốt mà cần cả sự phối hợp từ gia đình, xã hội, pháp luật.
Ngoài ra, ở chương trình giáo dục phổ thông mới có sự thay đổi mạnh nhất ở cấp THPT. Theo đó, ở bậc THPT đối với lớp 10 sẽ được coi là lớp dự hướng giúp học sinh có được sự chuẩn bị để chọn hướng nghề nghiệp cho đúng.
Đối với lớp 11 và 12 là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo học sinh tiếp cận nghề nghiệp, đào tạo có chất lượng sau THPT. Định hướng này cũng là lý do chương trình mới giảm số môn học của học sinh ở bậc THPT.
Bên cạnh một số môn bắt buộc như: giáo dục quốc phòng, giáo dục thể chất... học sinh chỉ phải chọn năm môn trong số các môn còn lại để phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Cùng với đó, các môn bắt buộc cũng thiên về hoạt động thực tế hơn là học lý thuyết.
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Thuyết cho hay, chương trình giáo dục phổ thông tới đây được xây dựng theo phương pháp sơ đồ ngược, dựa trên việc xác định nhu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra chứ không phải dựa từ nội dung đào tạo...
Ở chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt….
Còn đối với cấp THCS sẽ giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động….