Singapore làm bá chủ 'vùng trũng' nhờ vận động viên Trung Quốc

Tính đến trưa 4-6, ba trong số bảy nội dung tranh tài bóng bàn SEA Games 28 đã xong và chủ nhà Singapore dường như không có đối thủ, họ đã lấy vàng nội dung đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ. Các tay vợt Singapore toàn là đẳng cấp thế giới đã thành tài từ thể thao Trung Quốc. Họ dễ dàng có hộ chiếu Singapore để khoác tuyển chủ nhà SEA Games 28… gặt vàng ở “ao làng vùng trũng thể thao thế giới”…

Dẫu biết Singapore có chừng 70% là người gốc Hoa nhưng không khó nhận ra những cái tên của thể thao Trung Quốc như Yu Menggyu, Yang Zi., Fengwei, Lin Ye, Zhou Yihan... từng khoác áo tham dự các vòng loại Olympic, vô địch thế giới và từng mang về huy chương cho đoàn thể thao Trung Quốc tại các kỳ Olympic, Asiad, thế giới. Ai cũng biết Trung Quốc là cường quốc số 1 Olympic, tài năng kế thừa của họ là cuộc chọn lọc nghiệt ngã vì quá nhiều tài năng, quá nhiều VĐV giỏi nhưng vẫn không có chân đứng trong tuyển Trung Quốc lại gặp quốc gia giàu có Singapore trải thảm mời thì… tại sao không về! Và một khi đẳng cấp thế giới mà về vùng trũng Đông Nam Á thì làm gì họ có đối thủ, như bóng bàn Singapore đang thể hiện. Mục tiêu của bóng bàn đảo quốc là ẵm hết bảy HCV SEA Games 28.


Bóng bàn Singapore với VĐV gốc Trung Quốc không có đối thủ tại SEA Games 28

Thể thao Singapore là… vua nhập tịch, các môn điền kinh, bơi lội cũng thế. Nhất là bóng đá sau một thập niên với chính sách nhập tịch cầu thủ, đã mang về cho Singapore ba chức vô địch Đông Nam Á (không kể lần vô địch AFF Cup 1998). Có những giải AFF Cup mà trong đội hình tuyển Singapore có bảy “ông Tây “tóc vàng mắt xanh” trên sân.
Cuối cùng bóng đá Singapore quyết định “chữa căn bệnh” thành tích này. Họ bắt đầu đào tạo tài năng bóng đá trẻ, lập các học viện, khuyến khích tư nhân mở học viện… AFF Cup 2014 vừa qua tuyển Singapore từ chỗ hơn nửa đội hình Tây đã sạch bóng Tây.
Đi đầu trong ngọn cờ đầu sử dụng tài năng địa phương, nguồn lực địa phương chính là cựu huyền thoại bóng đá Singapore Fandi Ahmad. Ông đã chăm chuốt hai con trai của mình thành những tài năng bóng đá, trong đó có việc đưa hai nhóc sang Tây Ban Nha và Chile học và chơi đá bóng, bản thân ông mở học viện bóng đá F17 tại Singapore…Cũng vì lẽ đó mà gia đình Fandi được nhà nước Singapore chọn “Gia đình thể thao điểm”
Bóng đá Singapore đã chán với bệnh thành tích bằng nhập tịch tài năng có sẵn nhưng bóng bàn, điền kinh, bơi lội thì vẫn còn…máu bệnh thành tích.
Và suy cho cùng, thể thao Việt Nam không nhập tịch, các tài năng đều trưởng thành từ nước nhà dù có khó khăn vẫn cảm thấy thấy thích hơn. Không ai có ý đồ phân biệt người nhập tịch khoác áo tuyển. Nhưng nhập tịch chỉ vì thành tích thể thao, khi nghỉ thi đấu lại về nước nình thì thấy cũng chẳng cần thiết…
Đông Nam Á vùng trũng là ở điểm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm