Sinh viên thành con nợ vì World Cup

Không “dễ thương” kiểu sinh viên, thắng độ với một chầu ăn sáng hay cà phê, với một cái điện thoại hoặc vài tiếng ngồi trong tiệm net, con đường của nhiều sinh viên cá độ “chuyên nghiệp” đã rẽ sang một hướng khác, đa phần là tối tăm hơn.

Nhiều sinh viên đến mùa thi nhưng vẫn xem World Cup tới sáng. Ảnh: PHƯỚC TĨNH 

Tâm trí dồn hết vào tỉ lệ cá cược

Nhờ bạn quen cùng phòng giới thiệu là sinh viên ở Đồng Nai vào Sài Gòn chơi, chúng tôi vào ở chung với Lê Văn Thái, một sinh viên có “thâm niên” cá độ của Trường ĐH TDTT TP.HCM. Học năm thứ ba, Thái đã hai lần cầu viện gia đình để trả nợ cho mấy ông trùm.

Từ ngày khai mạc World Cup 2014, Thái “bận rộn” với chiếc điện thoại hơn do phải truy cập tỉ lệ cá cược trên mạng và liên tục nhận, gửi tin đến các nhà cái. Có hôm Thái ra vào như kẻ mất hồn, năm phút ra tiệm Internet một lần, năm phút sau lại quay về phòng bàn tính…

Chiều 16-6, như thường lệ, cả phòng Thái quây quanh chiếc bàn nhựa để bàn kèo trận Đức - Bồ Đào Nha. Bốn đứa chung phòng chụm đầu “tư vấn” cho Thái. Mỗi người một ý, nhìn chung là nước đôi… Sau đó Thái lấy xe máy đi. Cả phòng chẳng biết Thái sẽ bắt kèo nào. Sáng hôm sau, Thái rủ anh em đi ăn sáng… Một bạn mách nhỏ: “Tối qua Thái thắng tới 20 triệu đồng, nó bắt với nhiều nhà cái lắm”. Trong quán cà phê, Thái hí hửng kể: “Tối qua tao coi mà run như cầy sấy, hút điếu thuốc mà miệng đắng nghét… Khi Đức ghi bàn thắng thứ ba tao mới yên tâm. Thiệt hú hồn hú vía, cuối cùng nó đá cho bốn nho (thắng bốn bàn)…”. Sáng 17-6, trận Brazil với Mexico hòa nhưng không thấy bóng dáng Thái trong phòng. Một người giải thích: “Nó đổ hết tiền qua kèo Brazil, giờ đi trốn rồi… Đêm qua nó thấp thỏm như người mất trí, hai mắt dán vô tivi, điếu thuốc trên tay nó tự cháy thành tro…”.

Như một quy luật, Thái sẽ vắng mặt ở phòng trọ từ 2 giờ chiều đến 5-6 giờ sáng hôm sau mới lọ mọ về ngủ. Hôm nào gọi bạn cùng phòng đi ăn sáng, cà phê là biết Thái thắng độ, còn đắp mền ngủ suốt ngày là biết chắc tối qua đã bể kèo, thậm chí bạn bè gọi ăn cơm cũng chẳng buồn dậy.

Lợi dụng lòng tốt của bạn bè

Nguyễn Thanh Tuấn rơi vào trường hợp khó xử khi bạn thân cùng phòng là Trần Đức Long hỏi mượn chiếc xe Wave đi chơi. Chờ đến tối vẫn không thấy Long về, Tuấn gọi điện thoại thì nghe tiếng thút thít: “Cho tao mượn xe máy cầm ít bữa, đợi mai mốt có tiền rồi tao chuộc về…”. Tuấn nghe giận run nhưng không thể làm gì khác.

Cả hai cùng là sinh viên ĐH Lạc Hồng (Biên Hòa, Đồng Nai), là bạn thân chung phòng trọ với nhau hai năm nhưng Tuấn không ngờ Long làm liều như vậy. “Biết nó chơi cá độ từ lâu nhưng đâu ngờ nó dám đi cầm xe mình. Lâu lâu nó có mượn tiền 100.000-200.000 đồng nhưng luôn trả sòng phẳng… Lần này nó làm liều quá, bây giờ cầu cho nó mượn đủ tiền rồi chuộc xe chứ bạn bè không lẽ đánh nó” - Tuấn lo lắng nói.

Long là sinh viên ngành cơ khí của ĐH Lạc Hồng, vì ham cá độ nên bỏ bê việc học hành. Vài tháng trước, thua độ mấy trận giải Ngoại hạng Anh, Long chạy trốn nhưng mấy tay giang hồ ở Biên Hòa lần ra đánh tơi tả nên không dám trốn nữa. Tưởng sau vụ đó Long sẽ tởn… Hiện Long đang thiếu điểm nhiều môn, nguy cơ bị buộc thôi học hoặc ít nhất phải ra trường trễ hạn là khó tránh khỏi.

Vụ chiếc xe máy của Tuấn chưa giải quyết xong, vài ngày sau Long mượn rồi cầm luôn máy tính xách tay của một bạn cùng quê để có tiền cá độ tiếp. Tuấn lên lớp thì nghe bạn bè xầm xì: Dù đề phòng không cho Long mượn tiền nhưng bạn trai này đã mắc bẫy khi Long nói mượn máy tính ra quán cà phê trước hẻm để làm đồ án cuối kỳ…

Gãy gánh giữa đường

Sinh viên nào từng chơi cá độ cũng thấm thía hậu quả khôn lường. Ma lực từ trái bóng luôn “hút” những sinh viên có máu đỏ đen. Biết không thể thắng được nhà cái, biết sẽ có ngày mất toi công đèn sách nhưng thua cuộc là cay cú, muốn gỡ gạc, càng gỡ gạc càng thua. Sau cùng đổ thừa là mình chưa hết vận đen… Nợ chồng nợ, từ vài chục triệu lên vài trăm triệu đồng. Chủ nợ liên tục hù dọa khiến nhiều sinh viên không còn tâm trí học hành. Đến khi trả được nợ thì cũng là lúc nhận quyết định buộc thôi học của nhà trường.

Trường hợp của Nguyễn Thế Hòa, sinh viên ngành cơ khí ô tô của Trường ĐH GTVT TP.HCM là ví dụ điển hình. Từ một đứa con chăm học quê ở Bình Định, Thế Hòa dần lún sâu vào mê trận cá độ bóng đá khi lên TP.HCM. Thấy bạn bè có tiền sau khi bắt độ bóng đá, Hòa lân la hỏi cách chơi. Ban đầu, những trận ở giải Ngoại hạng Anh, Hòa góp tiền chung để bắt độ. Sau đó, Hòa tự nghiên cứu và tìm nhà cái chơi riêng. Để bổ sung “kiến thức”, Hòa chăm chỉ đọc báo để thu thập thông tin. Thấy đủ “tầm vóc”, Hòa tạo tài khoản riêng cá độ trực tuyến, “chơi tay đôi” với nhà cái.

Bắt độ khi trúng khi không nhưng tần suất đến lớp thì giảm hẳn vì toàn bộ sức lực đã dồn cho bóng đá. Mỗi tiết kiểm tra, điểm danh Hòa nhờ bạn bè làm hộ nhưng không thể qua mặt được giảng viên. Từ sinh viên khá giỏi, Hòa tụt hạng dần và rồi nợ môn đầm đìa. Năm học 2012-2013, Hòa bị nhà trường cảnh cáo hai lần.

Đầu năm 2014, bi kịch đến. Nhà cái vỡ nợ đã bỏ trốn khiến Hòa mất toi mấy chục triệu đồng. Cùng lúc, nhà trường ra quyết định buộc thôi học. Hòa suy sụp, bỏ ăn bỏ ngủ để tìm cách cứu vãn. Bạn bè tâm sự, trấn an nhưng Hòa không vượt qua được nỗi lo. Chưa đầy một tháng Hòa sụt liền 3 kg.

Biết mình sai, Hòa không dám cho cha mẹ ngoài quê biết chuyện. Nhưng nhà trường thông báo, cha mẹ Hòa nghe tin con mình bị đuổi học như rụng rời tay chân. Sau nhiều lần khuyên bảo, Hòa chấp nhận giải pháp về quê để năm sau vào học lại hệ cao đẳng…

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

Thể thao vốn lành mạnh, đam mê và cổ vũ thể thao cũng lành mạnh. Nhưng để niềm đam mê phản bội lại mình thì thật đáng tiếc. Đương nhiên điều đó là tệ hại. Các bạn trẻ coi như tự hủy hoại mình. Chuyện đáng nói hơn là làm sao để học cách dừng lại. Tuổi trẻ nói chung và các bạn sinh viên nói riêng phải xác định mục tiêu của cuộc đời, nếu không dễ bị cuốn đi bởi những đam mê và lạc hướng…

TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM

 
PHƯỚC TĨNH - LÊ THOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm