Theo đó, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử quan hệ giữa hai nước còn tồn tại ba vấn đề về biên giới lãnh thổ phải được giải quyết là biên giới trên đất liền, phân định Vịnh Bắc Bộ và trên biển Đông.
Theo hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ được hưởng 67.203km2 (chiếm 53,23% diện tích Vịnh), phía Trung Quốc được hưởng 59.047km2 chiếm 46,77% diện tích. Đường phân định đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý (25% hiệu lực)...
Trong đó hợp tác nghề cá là một trong những nội dung được đề cập đến trong quá trình đàm phán phân định Vịnh Bắc Bộ vì có liên quan đến chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế hai nước trong vịnh. Khác với hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ Việt Nam-Trung Quốc có thời hạn hiệu lực là đến tháng 6-2019 (kí chính thức ngày 30-6-2004).
Cụ thể hiệp định này hai bên thiết lập một vùng đánh cá chung rộng 33.500km2, có phạm vi từ vĩ tuyến 20 xuống đến đường đóng cửa Vịnh, cách đường phân định 30,5 hải lý về mỗi phía.
Ông Nguyễn Văn Trung, Đại diện Uỷ ban Liên hợp nghề cá Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, cho biết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá đã xác định rõ phạm vi và tạo ra được một khuôn khổ pháp lý quốc tế rõ ràng, thuận lợi cho mỗi nước bảo vệ, quản lý, sử dụng, khai thác phát triển kinh tế các vùng biển và thềm lục địa của mình trong Vịnh Bắc Bộ. "Việc ký hiệp định này là bước tiến mới trong việc xây dựng môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác xung quanh nước ta, tạo điều kiện cho chúng ta tập trung sức lực xây dựng và phát triển đất nước, góp phần cũng cố hoà bình và ổn định trong khu vực", ông Trung nói.