Kết quả là các bệnh nhi đều phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Điển hình là trường hợp cháu NVT, 12 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội, đã sống chung với căn bệnh thận hư từ năm lên bảy tuổi. Khi được các bác sĩ điều trị, cháu bé đáp ứng thuốc rất tốt.
Tuy nhiên, gần đây, bố mẹ cháu nghe hàng xóm mách mua thuốc Nam ở Thái Bình uống là chữa được bệnh. Cháu uống thuốc khoảng một tuần thì tình trạng phù tăng lên nhanh chóng, người mệt mỏi. Gia đình đưa con vào nhập viện trong tình trạng rất nặng.
Hiện bệnh nhân phải lọc máu do suy thận và phù nặng không đáp ứng điều trị kèm theo nhiễm trùng (viêm mô tế bào, viêm phúc mạc) do biến chứng của hội chứng thận hư.
Theo TS-BS Nguyễn Thu Hương, Trưởng khoa Thận - Lọc máu, suy thận là trạng thái suy giảm chức năng của thận, bao gồm chức năng bài tiết lượng nước dư thừa trong cơ thể và bài tiết chất độc trong cơ thể do quá trình trao đổi chất gây ra và (kéo theo) sự suy giảm chức năng sản xuất một vài hoócmôn do thận sản xuất.
Người bệnh bị suy thận thường có triệu chứng đau đầu do cao huyết áp, phù mặt hoặc tay chân hoặc bụng hoặc tất cả do ứ nước trong cơ thể, mệt mỏi, đắng miệng, chán ăn, buồn nôn, mờ mắt, đau đầu, giảm tập trung và giảm ham muốn tình dục, chóng mặt, da xanh, móng tay chân và niêm mạc mắt nhợt nhạt do thiếu máu. Ngoài ra còn có thể thấy môi thâm, răng xỉn, đau xương, chảy máu chân răng...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới suy thận như viêm cầu thận, thận đa nang, thận đái đường, viêm thận kẽ, tăng huyết áp…
BS Nguyễn Thị Kiên, Khoa thận - lọc máu, chia sẻ: “Tại Khoa thận, các bác sĩ từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh với tình trạng rất nặng do cha mẹ tự ý điều trị hoặc chữa bệnh theo kiểu mách nhau, truyền miệng kinh nghiệm hay lên mạng đọc rồi chữa bệnh bằng thuốc Nam, thuốc Bắc”.
Cũng giống trường hợp của cháu T., bệnh nhi NNQ, 15 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội, được chẩn đoán suy thận mạn từ tháng 4 vừa qua. Cháu được chỉ định điều trị bằng lọc máu hoặc lọc màng bụng.
Tuy nhiên, gia đình đã bỏ điều trị, cho trẻ uống thuốc Nam. Hai tuần sau trẻ vào viện trong tình trạng rối loạn điện giải nặng (kali máu 7,2 mmol/l), thiếu máu nặng, khó thở, nhịp tim chậm. Sau khi được các bác sĩ điều trị tích cực, tình trạng của trẻ đã ổn định hơn.