Sự đứt gãy giữa các thế hệ trong âm nhạc

Đây là nhận định thực tế hay vì Quốc Trung lại sắp tổ chức chương trình âm nhạc "Cầm tay mùa Hè” nên cố tình gây sốc?

Sự đứt gãy giữa các thế hệ trong âm nhạc ảnh 1
Sơn Tùng - MTP, một trong những ca sĩ trẻ theo hướng K-pop được yêu thích
Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy các ý kiến được cho là "châm ngòi" đều bắt đầu từ những cá nhân mà tiếng nói của họ ít nhiều có trọng lượng với giới làm nghề. Đối tượng hoặc vấn đề cá nhân đó đề cập hiển nhiên là đối tượng, vấn đề "nóng sốt", hoặc ít nhất chưa bao giờ cũ trong làng nhạc.

Chuyện người trẻ cuồng nhạc Hàn không mới. Ai đúng, ai sai xin không lạm bàn. Ở đây mạn phép đề cập đến đối tượng và mục đích của những tranh luận... gián tiếp, có nơi trung gian bày tỏ là các trang mạng, các diễn đàn. Sau khi ý kiến được đưa ra thì cá nhân bị/được coi là "ngòi nổ” hiếm khi có sự phản biện, thay vào đó là "quan điểm" của đám đông.

Đến lúc này, đa phần các cuộc "khẩu chiến" chia làm 3 phe rõ rệt. Phe trung lập, không có gì để nói. Hai phe còn lại, một là đa phần người trẻ hoặc những cá nhân chuộng cái lạ, cái mới mẻ; phe kia bao gồm những cá nhân ủng hộ quan điểm của "ngòi nổ”.

Mạnh dạn đưa ra "quan điểm" là điều tốt, phản biện hẳn nhiên cũng là điều tốt, nó chứng tỏ vấn đề ấy "chạm" đến sự quan tâm của cộng đồng. Mặt khác, chỉ khi có tranh luận sôi nổi thì vấn đề mới sáng tỏ, có thể tìm ra hướng đi phù hợp hoặc ít ra cũng giúp cho người đọc có một sự định hướng nhất định.

Dường như đã từ lâu lắm, nền văn học nghệ thuật nước nhà, trong đó có âm nhạc và văn học, hiếm có cuộc "bút chiến" đúng nghĩa nào xảy ra. Họa hoằn vài cuộc "khẩu chiến" trên các trang mạng. Được dăm ba hôm đến vài tuần, mọi thứ đâu lại vào đấy trong tình trạng dở dở dang dang. Đáng tiếc hơn, nhiều cá nhân tranh luận (tạm gọi như vậy) văn hóa nhưng lại không dựa trên góc nhìn văn hóa. Câu hỏi được đặt ra, cái đích của tranh luận phải chăng đơn giản chỉ để phân định đúng, sai?

Nhìn lại những cuộc "cãi vã” từ phạm vi nhỏ bị xé ra thành làn sóng đó, người ta không khỏi băn khoăn. Thứ nhất, với tâm lý đám đông, liệu còn ai dám bày tỏ quan điểm của họ trước một vấn đề? Và khi quan điểm được nêu, ai là người đủ bình tĩnh tìm ra giải pháp hay lại quay ra trách người này, đổ lỗi cho người kia?

Người sáng tác "chê” người nghe không biết chọn lọc nhạc, ẩn ý hơn là "không biết nghe nhạc", người nghe cũng có những phản bác bảo vệ quan điểm của họ. Đơn giản, họ chỉ nghe những gì họ cảm thấy thích, thấy phù hợp.

Thực tế cho thấy, đa phần khán giả (trong đó người trẻ chiếm số lượng lớn) thích "xem nhạc" hơn nghe nhạc. Sản phẩm âm nhạc họ tiếp cận, giọng hát ca sĩ có thể chỉ ở mức trung bình nhưng đòi hỏi hình thể, trang phục, vũ đạo phải cực kỳ đẹp mắt. Với sự phát triển của các phương tiện "nhìn", việc "xem nhạc" gần như trở thành xu thế chung của thế giới.

Yếu tố thứ hai đã được rất nhiều cá nhân trong làng nhạc thừa nhận, các ca khúc bây giờ nhàn nhạt, na ná nhau từ giai điệu đến ca từ. Khi hiện tại không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức, người nghe lại không chuộng nhạc nước ngoài thì việc họ tìm đến những ca khúc nhạc xưa (nhạc trước năm 1975) gần như là tất yếu.

Lỗi của ai hay đấy chính là sự đứt gãy trong mối quan hệ giữa người nghe và người sáng tác? Tất nhiên, người sáng tác ngoài vai trò viết nhạc còn nắm giữ vai trò định hướng thẩm mỹ cho công chúng, không nên đáp ứng thị hiếu dễ dãi của người thưởng thức.

Song, thực tế đã chứng minh, chính sự thiếu nhạy bén của người sáng tác đã khiến người nghe tìm đến những nhạc phẩm nước ngoài, hoặc những nhạc phẩm cũ. Quay lại trách họ, có nên chăng?


Theo Hoàng Linh Lan (DNSG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm