Kể từ khi Bộ luật Lao động (BLLĐ) ra đời năm 1994, đã có 6.000 cuộc đình công trên toàn quốc nhưng không có một cuộc đình công nào đúng trình tự pháp luật. Một trong những nguyên nhân, theo ông Chính là các thủ tục để tiến hành đình công quá phức tạp.
“Muốn đình công thì phải trải qua hòa giải, nếu hòa giải không được thì phải qua trọng tài, rồi sau đó mới đình công. Tính tổng cộng thời gian để có một cuộc đình công là 23 ngày” - ông Chính nói.
Theo ông Chính, để đảm bảo quyền đình công của người lao động, dứt khoát phải sửa Chương 14 của BLLĐ về đình công. “Điều này công đoàn đã kiến nghị từ năm 2002 nhưng các cơ quan nhà nước vẫn chưa tiếp thu” - ông Chính cho hay.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ, ông Bùi Văn Cường, cũng cho rằng đình công là vấn đề lớn và cần phải được xem xét khi sửa BLLĐ tới đây. Ngoài ra, ông Cường còn cho biết khoản phí công đoàn tới đây cũng phải được tính toán lại để tạo điều kiện cho công đoàn cơ sở có thể thành lập một quỹ để hỗ trợ người lao động khi tiến hành đình công.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng MTTQ Việt Nam sẽ cùng LĐLĐ kiến nghị sửa Chương 14 để đảm bảo lợi ích hài hòa của người lao động và người sử dụng lao động.