Đến nay đã có 1.314 công chức, viên chức và người lao động thuộc hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước, 10.700 cộng tác viên cùng nhiều văn phòng luật sư, công ty luật tham gia với 940.183 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 987.949 lượt người.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan về bộ máy cồng kềnh, hoạt động dàn trải, nguồn nhân lực còn bất cập, công tác xã hội hóa trợ giúp pháp lý còn chậm… nên yêu cầu phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý được đặt ra. Cạnh đó, từ năm 2010 nguồn hỗ trợ ODA sụt giảm mạnh, trong khi ngân sách nhà nước chưa đảm bảo cho công tác trợ giúp pháp lý, cùng với việc bổ sung, sửa đổi Luật Luật sư, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải cơ sở… cũng đặt ra yêu cầu phải đổi mới về tổ chức và hoạt động của hệ thống trợ giúp pháp lý.
Dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp xác định hai phương án: Thứ nhất, Nhà nước giữ vai trò quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, đảm bảo nguồn lực cần thiết cho hoạt động trợ giúp pháp lý. Thứ hai, điều chỉnh những hoạt động trợ giúp pháp lý do Nhà nước thực hiện, những hoạt động trợ giúp pháp lý của xã hội được Nhà nước trả tiền và những hoạt động tự nguyện, miễn phí.
Góp ý cho dự thảo, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang Đặng Văn Nguyên cho rằng cần phải làm rõ yếu tố xã hội hóa trong công tác trợ giúp pháp lý là gì. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình Đinh Trọng Xá thì băn khoăn: Muốn thực hiện đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý như trong dự thảo thì cần phải căn cứ vào việc hoàn thiện thể chế, tức phải sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản dưới luật, mà điều này thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Ông Xá cũng cho rằng trước khi đổi mới cần phải có thời gian tổng kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm từ thực tiễn trợ giúp pháp lý tám năm qua.