Cơ chế ngân sách TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP cho đến nay chưa được thực hiện. Điều này thu hút nhiều cơ quan chức năng TP.HCM và nhà khoa học cùng nghiên cứu cơ chế mới thay thế Nghị quyết 54 quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy các cơ quan trung ương hợp tác với TP thực hiện việc này.
Khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM (góc bìa phải) dự định xây siêu khách sạn 6 sao vẫn là bãi cỏ hoang sau nhiều năm chuyển nhượng. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Chế tài và quy định bắt buộc
TP.HCM đến nay chỉ có hai cơ sở nhà đất thuộc diện trên được cấp có thẩm quyền phê duyệt bán tài sản gắn liền với đất.
Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1072 ngày 4-7-2018 về bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hai địa chỉ nhà đất của Viện Cơ học và Tin học ứng dụng (thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) bao gồm 547 Hồng Bàng, phường 14, quận 5 (diện tích đất 61,5 m2; diện tích sàn sử dụng 183 m2) và 185/4 Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (diện tích đất 76,8 m2, diện tích sàn sử dụng 386,4 m2). Tuy nhiên, đến nay hai địa chỉ trên vẫn chưa thực hiện được việc bán.
Theo TS Nguyễn Hồng Nga, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, việc tài sản thuộc các cơ quan trung ương chưa được sử dụng, thuê và bán với tiến độ mong muốn, đó là do cơ chế sinh ra và lãnh đạo TP.HCM khó có thể can thiệp khi cơ quan chủ quản ở trung ương vẫn im lặng.
“Theo tôi, cần có một số chế tài và quy định để bắt buộc lãnh đạo các cơ quan trung ương đưa tài sản nhà nước đến các doanh nghiệp tư nhân sử dụng hiệu quả nhất” - TS Nga góp ý.
Cần xác định diện tích tối ưu hoặc tối đa cho các cơ quan trung ương đóng tại TP.HCM. Không thể để một cơ quan đại diện trung ương với số nhân viên khoảng 20 người sử dụng quỹ đất vài ngàn mét vuông ở những vị trí đắc địa. Ở các doanh nghiệp tư nhân, một nhân viên có chỗ làm việc khoảng 5 m2, phòng lãnh đạo chỉ khoảng 20 m2… Đây là thông tin tham khảo để từ đó định biên diện tích cho từng cơ quan đại diện của trung ương.
Mặt khác, cần có một ủy ban chuyên trách của Quốc hội giám sát và điều tiết quá trình bán tài sản nhà nước tại TP.HCM. Điều này đòi hỏi phải có một ủy ban độc lập và không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
TS Nga chia sẻ thêm: “Trung ương cần cho chính quyền TP.HCM cơ chế đặc thù để thực hiện và cưỡng chế việc thi hành bán đấu giá đất, tài sản kèm theo của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP. Đất trên địa bàn TP phải do chính quyền và nhân dân TP quyết định việc sử dụng hiệu quả nhất”.
Cần đưa ra một lộ trình khoa học và rõ ràng trong việc thực hiện hợp tác bán đấu giá đất chưa được sử dụng hợp lý của các cơ quan trung ương trên địa bàn TP. Kèm theo đó là cơ chế thưởng, phạt nghiêm minh trong việc chấp hành chủ trương bán đấu giá đất và tài sản gắn liền.
Có thể giảm bớt dần tiến tới bỏ hết các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP. Trong thời đại chính quyền số và xã hội số, vấn đề không gian được giảm đáng kể và có thể giảm tối đa.
Lãnh đạo TP.HCM khó có thể can thiệp khi cơ quan chủ quản ở trung ương vẫn im lặng.
Xây trung tâm hành chính tập trung
Cũng theo TS Nguyễn Hồng Nga, có thể xây dựng một trung tâm tập trung các cơ quan tại TP.HCM. Điều này sẽ giải phóng quỹ đất sạch lớn cho TP và giảm thời gian đi lại cho người dân, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế.
TS Dương Kim Thế Nguyên, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng cần xây dựng một trung tâm hành chính tập trung những cơ quan nhà nước bao gồm các cơ quan trung ương trên địa bàn TP.HCM.
“Công sở, công việc, công chức liên quan chặt chẽ với nhau. Vừa rồi Thủ tướng yêu cầu không tổ chức vụ, cục phía Nam đồng nghĩa sẽ giảm vị trí, giảm việc, từ đó cho phép giảm công sở. Đây càng là cơ sở cho việc TP.HCM đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan trung ương bán nhà đất thuộc diện này” - TS Nguyên khẳng định và cho rằng việc xây dựng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ số vào cải cách hành chính tạo điều kiện cho việc này.
Cơ chế Chính phủ chỉ đạo rà soát, sắp xếp những khu nhà đất này sao cho ra kết quả cuối cùng đó là bán, thu hút đầu tư rất cần được xây dựng. Đối với những khu nhà đất thuộc diện bán được, cần quyết liệt yêu cầu các cơ quan trung ương hợp tác.
Trước mắt, việc cho thuê đối với những khu nhà đất thuộc diện này cũng cần phải cân nhắc. Tránh sa vào tình trạng cho thuê quá rẻ so với giá trị sử dụng và chịu ràng buộc hợp đồng dẫn tới khó chuyển đổi công năng sử dụng.•