Một bức thư tay của cố nhạc sỹ Thuận yến gửi cho vợ trong thời chiến... (Ảnh: Gia đình cung cấp)
Lực hấp dẫn “đốn ngã” nhan sắc khuynh thành
Nhưng như lời tâm sự của nghệ sỹ ưu tú Thanh Hương “thành tựu cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sỹ Thuận Yến để lại ấy thuộc về nhân dân.” Điều duy nhất ông để lại cho bà, còn đang hiện hữu, chính là... hàng nghìn bức thư tình ông viết cho bà trong thời chiến.
Đơn sơ nhưng với nghệ sỹ Thanh Hương đó cũng là kết nối vô hình mà bà chiêm bái như giá trị tâm linh, giúp truyền hơi ấm tình thương, bám vào trí nhớ và tâm hồn bà, là bóng hình của người chồng nhạc sỹ tài hoa, dịu dàng hết mực.
Thế mới biết, cuộc đời chúng ta có lẽ sẽ chẳng còn lại gì ngoài những kỷ vật như những bức ảnh, phong thư, khi ngẫm về cuộc tình của chính mình.
Nhạc là hồn, nét chữ nết người. Đường bút, phong thư của cố nhạc sỹ Thuận cũng mảnh mai, giản dị, nồng nàn như chính con người và âm nhạc của ông.
Những nhắn gửi yêu thương hiền lành, thật thà nhưng cũng đầy da diết, cháy bỏng, vừa vụng vừa thương, mà sao đáng yêu đến thế!
Đến đây người viết bài cũng chợt thấy dễ hiểu vì sao người nhạc sỹ nổi tiếng làng nhạc là “chàng Trương Chi” nhát chết và sợ… vợ ấy lại đủ lực hấp dẫn “đốn ngã” nhan sắc khuynh thành một thời.
Để rồi, từ khuất phục, sự dịu dàng và những đường thư chứa chan bỗng hóa thành lạt mềm buộc chặt trái tim tươi trẻ, đầy sốc nổi của nghệ sỹ Thanh Hương (như bà tâm sự) vượt qua những cám dỗ, cách trở suốt thời chiến.
Chiến tranh chẳng bao giờ là trò đùa. Ngoài những mất mát, thương đau còn là nhà cửa ly tán, quê hương điêu tàn. Cũng giống như bất cứ lứa đôi nào trên đất nước này, vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến và Thanh Hương luôn “ở hai đầu nối nhớ.”
Ngay cả khi đất nước được thống nhất sau đại thắng mùa Xuân 1975, vợ chồng nhạc sỹ Thuận Yến vẫn vời vợi chồng Bắc, vợ Nam.
Những nhắn gửi yêu thương, lời trấn an động viên phấn đấu cho một ngày đoàn tụ đã tiếp lửa cho sự mong manh, yếu mềm của nghệ sỹ Thanh Hương thêm mạnh mẽ và tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.
“Những cám dỗ, cách trở suốt thời chiến”
Giữa sân nhà, lốm đốm nắng và hoa khế, nghệ sỹ Thanh Hương trầm tư bảo rằng, điều bồi đắp tình yêu nơi bà cũng bởi cố nhạc sỹ Thuận Yến đúng với câu nói “cái chết đánh nết cái đẹp.”
“Thấy anh xấu người, ốm yếu nhưng tôi lại thương vì đức tính thật thà, hiền lành. Sau này khi về sống chung, sự dịu dàng, tài hoa, lãng mạn của anh càng khiến tôi yêu tha thiết. Cả cuộc đời ông Thuận Yến, chỉ có hai tình yêu là âm nhạc và vợ con. Chiến tranh cách trở, vợ Nam chồng Bắc nhưng những lá thư của anh luôn hun đúc lý tưởng, khát vọng và tình yêu, nỗi nhớ cho chúng tôi về một ngày đoàn tụ.”
Cũng theo nghệ sỹ Thanh Hương, phong thư của cố nhạc sỹ Thuận Yến cũng nồng nàn và… nữ tính như tính cách con người và âm nhạc của ông. Nổi tiếng là nhạc sỹ của những ca từ đầy chất thơ, phong thư của cố nhạc sỹ Thuận Yến cũng chứa chan tình cảm.
“Thư ông Thuận Yến cũng giống như tính cách của ông ấy giữa đời thường. Cả một đời vợ chồng, ông Thuận yến chưa nói nặng với vợ một câu. Thư ông ấy viết cũng vậy! Vào thư bao giờ cũng gọi ‘em yêu quý’ và kết thư là ‘nhớ em nhiều!’ ‘anh gửi cho em và con những cái hôn…”
“Em yêu quý! Đọc thư em anh vừa thương, vừa lo. Thường thường khi viết thư cho anh em đều nói là em thương anh hơn là anh thương em. Vẫn cái câu là chắc lúc này anh đang ngáy khì khì… ừ thì em muốn nói sao thì nói, viết gì thì viết, còn anh trái lại từ khi yêu em, thành vợ thành chồng, ngoài em ra anh chẳng còn nghĩ tới ai nữa hết. Bởi vì anh biết rằng, trên đời này không có cô gái nào yêu anh bằng em. Biết vậy nên lúc nào anh cũng thương nhớ em và dành dụm, vun đắp cho tình yêu đó ngày càng đẹp. Những năm tháng xa em cuộc sống của anh tập trung cho học tập và vun đắp cho sự nghiệp ngày mai. Có đêm nào mà anh không nghĩ đến em và con đâu. Giấc ngủ của anh có bao giờ trọn, bởi vì anh lo cho em và con trong đó.”(Trích thư cố nhạc sỹ Thuận Yến gửi vợ)
Điều khiến nghệ sỹ Thanh Hương vẫn quay quắt, trống vắng, buồn vương sau khi người chồng thân yêu đã về với ánh hoàng hôn cuộc đời cũng chính bởi những yêu thương ông để lại cho bà.
“Mãi chỉ có em và âm nhạc”
“Là đàn ông để nói ra lời yêu ngọt ngào đã khó, nhưng ngay cả khi trách móc, căn dặn lời lẽ trong thư của ông Thuận Yến cũng khiêm nhường, từ tốn, đầy ân cần và dịu dàng. Ông nhắc nhở vợ mà ý nhị vô cùng. Khi đọc những lời ấy, tôi chẳng buồn, tự ái mà còn thấy rung rinh, lay động,” nghệ sỹ Thanh Hương bồi hồi.
“Cuộc sống ở Sài Gòn như một cái bẫy, nếu thiếu cảnh giác có khi sa chân em ạ! Anh dặn em là hãy cảnh giác trước hết là mình chứ không phải là cảnh giác người khác đâu. Anh không kết luận nhưng anh cảm thấy em còn chủ quan. Từ cách ăn mặc, cách suy nghĩ, em có cảm thấy mình đang nhích gần lại với lối sinh hoạt ở Sài Gòn không? Kiểm điểm lại em sẽ thấy giật mình và rồi sẽ có cách mà tránh. Chúng ta là những người cách mạng, biết thế nào là cái đẹp của tâm hồn cao thượng và cái đẹp của lý tưởng, ước mơ. Anh tin tưởng ở em nhưng anh vẫn dặn em như vậy đó. Còn anh, em hãy yên tâm, vợ Nam, chồng Bắc nhưng anh mãi mãi chỉ có em và âm nhạc.”(Trích thư cố nhạc sỹ Thuận Yến gửi vợ)
Ngay cả khi những than vãn, kể… khổ đầy hàm ý “làm nũng” của cố nhạc sỹ Thuận Yến với nghệ sỹ Thanh Hương cũng là những ký ức đáng yêu khiến đôi mắt bà nhòa lệ nhớ về người chồng vụng về mà thật thà, hóm hỉnh.
“Một mình anh xoay xở hàng hóa và các con giữa sân ga thật lung tung quá đỗi. Mỗi lần đi là một lần khổ sở. Riêng việc chăm sóc hai con về tới Hà Nội một cách an toàn là một kỳ công rồi. Đó là điều anh lo lắng nhất, khi mà anh vừa định đi ra khỏi cửa buồng thì cậu Thắng (tức nhạc sỹ Trí Minh- PV) đã rơi ngay từ giường thứ hai xuống sàn tàu hỏa. Anh mua hai ghế giường nằm nhưng thực ra là ba cha con ém vào một giường. Ba nằm ngoài làm lá chắn cho hai con suốt bốn ngày bốn đêm như thế mỏi nhừ. Về đến nhà đến hai ngày sau vẫn còn ê ẩm. Vừa lo trông hai con khỏi lạc, vừa lo bảo vệ đồ đạc. Sơ hở cậu Thắng bỏ chạy đi lung tung liền…”(Trích thư cố nhạc sỹ Thuận Yến gửi vợ)
Không chỉ thắp lửa tình yêu, vơi bớt nỗi nhớ vợ chồng giữa bạo liệt cuộc chiến, cũng chính những đường thư của cố nhạc sỹ Thuận Yến đã dẫn lối, hun đúc cho nghệ sỹ Thanh Hương ý chí chiến đấu, mạnh mẽ sống để một ngày trở về Hà Nội đoàn tụ với chồng và con thơ…
“Đường thư” giữa hai đầu nỗi nhớ
“Trong lúc khó khăn này, rất cần sự có mặt của em bên cạnh. Em sẽ giúp anh lo chuyện con cái, nhà cửa để anh lo công việc. Em ạ! Đời một con người thật ngắn ngủi quá! Vì vậy chúng mình phải lo bồi dưỡng sức khỏe, để sống lâu với các con, nếu không các con sẽ khổ biết chừng nào. Tình hình công tác làm anh gầy đi nhiều. Em cũng đừng ham muốn gì hơn nữa, hãy cố gắng thu xếp công việc, ra với ba bố con càng sớm càng hay. Có em thì anh cũng đỡ buồn nhiều.”
“Ngày đoàn tụ, giấc ngủ của anh sẽ ngon giấc, bớt đi sự thấp thỏm. Bởi ngoài em ra, anh chẳng còn gì chia sẻ nữa đâu. Cha mẹ đã khuất. Quê hương thì điêu tàn. Anh chị em đã phân ly mỗi người một chân trời. Bây giờ đây anh chỉ còn em và các con thôi. Anh còn sống là còn dành cho em tình cảm đẹp đẽ nhất, thủy chung trọn đời.”(Trích thư cố nhạc sỹ Thuận Yến gửi vợ)
Chiến tranh bạo liệt, nhưng chính tinh thần của người lính không thiếu lý tưởng và lãng mạn đã khiến mối tình của họ hóa thành bi tráng. Những bức thư tay trong thời chiến vô tình trở thành “đường thư” kết nối vô hình giữa hai đầu nỗi nhớ - tiền tuyến và hậu phương vì thế cũng có số phận đặc biệt.
Với nghệ sỹ Thanh Hương, phong thư không chỉ là kỷ vật còn lại của cuộc chiến, nhắc nhớ ký ức của một thời đã qua.
Những nét chữ viết vội cùng khói lửa và cả máu trên giấy pơluya ngày ấy là đốm lửa hy vọng hun đúc tinh thần chiến đấu vì lý tưởng cách mạng và kết nối yêu thương lứa đôi.
Giữa lằn ranh sống chết, tình thư kháng chiến dẫu chỉ vỏn vẹn “anh còn sống, dũng cảm sống” nhưng là sự hồi sinh báo tin vui từ chiến trường về phía hậu phương đang mỏi mòn sau nhiều năm lưu lạc.
Theo LÊ MÂY (Vietnamplus)