Ngày 23-10, Israel và Sudan đã đồng ý bình thường hóa quan hệ thông qua một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian. Điều này đã đưa Sudan trở thành quốc gia Ả Rập thứ ba chấm dứt thù địch với nhà nước Do Thái trong hai tháng qua, theo hãng tin Sputnik.
Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: SUDAN POST
Theo các quan chức cấp cao của Nhà Trắng, thỏa thuận bình thường hóa được ký kết sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có một cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok và Trưởng Hội đồng Chuyển tiếp Abdel Fattah al-Burhan.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, vào tối ngày 22-10, ông Trump đã ký một tài liệu trên chiếc Không lực Một để thông báo cho Quốc hội về ý định của mình.
"Các nhà lãnh đạo nhất trí bình thường hóa quan hệ giữa Sudan và Israel và chấm dứt tình trạng hiếu chiến giữa các quốc gia của họ", theo một tuyên bố chung do ba nước đưa ra.
Theo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo nhất trí khởi động quan hệ kinh tế và thương mại, với trọng tâm ban đầu là hợp tác nông nghiệp.
Dự kiến, các phái đoàn của mỗi nước sẽ gặp nhau trong vài tuần tới để đàm phán về các chi tiết cụ thể của các thỏa thuận trong các lĩnh vực như công nghệ nông nghiệp, hàng không, vấn đề di cư và các lĩnh vực khác, tuyên bố cho biết.
Ngoài ra, tuyên bố khẳng định rằng chính phủ chuyển tiếp của Sudan đã "thể hiện lòng dũng cảm và cam kết chống khủng bố, xây dựng các thể chế dân chủ và cải thiện quan hệ với các nước láng giềng".
Về phía Mỹ, những người có công thúc đẩy thỏa thuận này là cố vấn cấp cao của ông Trump - ông Jared Kushner, đặc phái viên Trung Đông Avi Berkowitz, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Ngoại trưởng Mike Pompeo, và quan chức an ninh quốc gia Miguel Correa.
Về phần mình, ông Kushner kêu gọi hiệp định "một bước đột phá vĩ đại".
Sudan là quốc gia thứ ba trong khối Ả Rập thực hiện các bước hướng tới bình thường hóa quan hệ với Israel, sau các động thái tương tự do Mỹ làm trung gian của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain. Trước đó, hai quốc gia khác đã gác lại các mối quan hệ thù địch với nhà nước Do Thái là Ai Cập và Jordan.
Thỏa thuận đạt được với Israel đã mở đường cho Sudan nhận được các khoản giảm nợ quốc tế, hỗ trợ tài chính và một loạt các biện pháp khác.
Bên cạnh đó, ông Trump cho biết thỏa thuận đã giúp đưa Sudan ra khỏi danh sách các quốc gia thúc đẩy khủng bố của chính phủ Mỹ bắt đầu từ tháng 12 tới, theo tờ The New York Times.
Về phần mình, ông Trump tin chắc rằng Iran cũng sẽ tham gia một "thỏa thuận như thế vậy" và nói thêm rằng ông sẵn sàng giúp Cộng hòa Hồi giáo thực hiện điều đó.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng ít nhất năm quốc gia nữa sẽ tham gia vào một thỏa thuận hòa bình với Israel, đặc biệt là Saudi Arabia chắc chắn sẽ "sớm tham gia".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ca ngợi động thái này, nói rằng đất nước của ông đang "nhanh chóng mở rộng vòng tròn hòa bình".
"Thật là một bước ngoặt to lớn" - ông nói.
Chính quyền Palestine đã nhanh chóng phản ứng trước tuyên bố của Nhà Trắng, nói rằng động thái này không gì khác ngoài "một nhát dao mới” đâm sau lưng họ.
Ông Wasel Abu Youssef - thành viên của Tổ chức Giải phóng Palestine cho biết: "Việc Sudan tham gia cùng những nước khác bình thường hóa quan hệ với nhà nước Israel là một vết đâm mới đối với người dân Palestine và là sự phản bội đối với chính nghĩa của Palestine".