Tài xế công nghệ: Những câu chuyện đằng sau tay lái

Tài xế công nghệ: Những câu chuyện đằng sau tay lái

(PLO)- Tại thị trường Việt Nam với khoảng 11 ứng dụng xe công nghệ, song chỉ có duy nhất một hãng tiên phong “tự nguyện” trang bị bảo hiểm cho tài xế.

Nhiều tài xế công nghệ (TXCN) đang làm việc trong điều kiện bất lợi và không biết dựa vào đâu để có quyền lợi chính đáng. Đã đến lúc, công việc họ làm được công nhận là một nghề nghiệp nghiêm túc.

Nam - một tài xế xe ôm công nghệ, 38 tuổi, anh dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Đó là một công việc tuy mệt nhọc nhưng Nam rất yêu thích và hài lòng với những gì mình đang có.

Vì yêu “nghề” nên bao năm nay Nam vẫn “chiến đấu” cùng chiếc xe máy mỗi ngày mà không hề ngần ngại. Từ anh xe ôm đầu hẻm, Nam được nâng cấp thành TXCN, nhưng công việc mà anh đang làm như bao tài xế khác vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn.

Tôi có hẹn với Nam tại một quán nước ven đường, anh kể cho tôi nghe về những câu chuyện mà anh đã trải qua sau bao năm “làm nghề” bằng sự nhiệt huyết đầy mình. Nam nói, cho dù dưới cái nắng 40 độ của mùa hè hay những cơn mưa giông ngập úng tại Sài Gòn, mặc cho những độc hại, ô nhiễm hay những nguy hiểm vây quanh mình, thì mỗi khi điện thoại rung lên, “bác tài Nam” lại nổ máy. Khi đã chọn đây là công việc mưu sinh, nên anh phải làm nghề thật nghiêm túc, tận tâm.

“Thu nhập của chúng tôi không ổn định nhưng vẫn sẽ hơn một số người. Có hôm tôi đón khách tại bệnh viện, chị này ở tận Đắk Lắk xuống Sài Gòn khám bệnh, nhưng trong người không còn tiền nữa. Dù vậy tôi cũng vui vẻ chở khách ra bến xe. Đôi khi chúng tôi cũng nhận được những khách hàng trả thêm tiền thì cũng nên có cuốc xe từ thiện” - Nam vui vẻ nói.

Anh chia sẻ về những ngày chập chững chạy những cuốc xe công nghệ đầu tiên, tuy thu nhập chỉ ở mức 100.000 đồng nhưng anh không hề nản lòng với niềm tin rằng mình sẽ khá hơn nếu chăm chỉ và tâm huyết với nghề này. Giờ đây mỗi ngày anh có thể kiếm được 800.000 đồng hoặc có hôm trúng mánh nhờ “tiền tip” của khách thì còn được hơn.

Cũng vì biết công việc của anh, nên tôi không dám giữ chân anh lại. Chia tay anh khi trời Sài Gòn bắt đầu chuyển cơn mưa và cũng là lúc anh vội vàng nhận cuốc xe tiếp theo trong ngày.

Rồi tôi chọn cho mình một tài xế taxi công nghệ để di chuyển về quận 9. Vừa bước lên xe, anh tài xế trẻ liền chào hỏi thân thuộc. Tôi cười và hai anh em bắt đầu nói về công việc anh đang làm.

Anh chia sẻ, trước đây khi mới gia nhập TXCN, anh thường đón khách tại các bến xe từ tờ mờ sáng, vì ở đó nhu cầu khá nhiều. Hơn thế, “cày” sáng sớm sẽ mát mẻ và ít xe hơn, cũng nhận được nhiều cuốc và có thu nhập cao. Nhưng có nhiều ngày dầm mưa để xếp hành lý cho khách, nên anh bệnh phải nghỉ ở nhà không chạy xe khoảng một tuần.

Anh nói: “Đôi khi nghĩ cũng tủi thân chị à, chúng tôi chăm sóc tận tình cho khách hàng, nhưng ở chiều ngược lại “được chăm sóc” thì vẫn chưa ai trả lời cho. Tôi chỉ mong có một sự hỗ trợ từ phía công ty hay cơ quan nhà nước để chúng tôi được chăm sóc bảo hiểm như những người lao động khác.”

Tài xế công nghệ: Những câu chuyện đằng sau tay lái ảnh 3
Tài xế công nghệ: Những câu chuyện đằng sau tay lái ảnh 4

Thực tế, không phải ai lựa chọn công việc của mình cũng có niềm tin và yêu nghề như Nam và anh tài taxi công nghệ. Hai hoàn cảnh nhưng cùng một nỗi khổ của các TXCN hiện nay, song không phải vì đó mà họ đánh mất đi sự tận tâm và tôn trọng chính nghề nghiệp của mình. Ngoài những rủi ro tai nạn, cướp giết, việc đối mặt với những độc hại, ô nhiễm khói bụi TXCN còn phải kể đến những khó khăn mà người ngoài không hình dung được. Họ cũng như người lao động khác, mỗi ngày làm việc từ 7-10 tiếng đồng hồ, thậm chí có những người làm tới 12 tiếng nhưng ngược lại họ không có quyền lợi bảo hiểm nào cho chính mình.

Bên cạnh đó, các TXCN hiện nay đang vượt qua cả những tiêu chuẩn phục vụ khách hàng, họ chăm sóc và giúp đỡ người già, phụ nữ mang bầu hay trẻ nhỏ trong mỗi chuyến đồng hành cùng họ. Họ đòi hỏi những kỹ năng và chuẩn mực của ngành vận tải cộng nghệ, vừa đảm bảo an toàn và khéo léo để hài lòng khách trên mỗi chuyến xe.

Ngoài ra, TXCN không chỉ là việc biết lái xe mà họ còn cần am hiểu quy định về an toàn giao thông, kỹ năng cần thiết để xử lý tình huống trên đường. Đặc biệt, nó đòi hỏi cái tâm của người tài xế.

Ở họ xứng đáng được hưởng những quyền lợi lao động chính đáng, không phải như thực tế hiện nay phải trông chờ vào sự “tùy tâm” của các hãng xe công nghệ. Đã đến lúc cần có ai đó tiên phong bảo vệ quyền lợi cho nhóm lao động này.

Tài xế công nghệ: Những câu chuyện đằng sau tay lái ảnh 7

Đọc thêm