Và sau hai trận giao hữu cuối cùng của U-20 Việt Nam, ông thầy trẻ vẫn nói thẳng cầu thủ yếu tâm lý nên chơi chưa đúng sức mình.
Ông Tuấn cho biết nếu tâm lý cầu thủ vững vàng, đội sẽ không thua nặng U-20 Argentina 1-4. Cả trận hòa 1-1 trong thế bị dẫn trước U-20 Vanuatu, ông cũng nói do tâm lý yếu nên lối chơi chệch choạc.
Như vậy đã rõ các tuyển thủ U-20 Việt Nam chỉ cần giải bài toán tâm lý thì không lo gì thay đổi lịch sử bóng đá Đông Nam Á chơi giải U-20 thế giới 38 năm qua chưa có điểm nào.
Vấn đề là ban huấn luyện đã làm gì để tháo gỡ vướng mắc trạng thái của cầu thủ sau hai tháng huấn luyện vẫn chưa có một tâm thế tự tin vào chính mình sau khi đoạt vé World Cup?
Cần biết thứ vũ khí giúp thầy trò Hoàng Anh Tuấn chiến thắng CHDCND Triều Tiên hay chủ nhà Bahrain ở vòng chung kết châu Á để vào tốp 4 đội mạnh nhất và một suất đá giải thế giới chính là cầu thủ có một tâm lý tốt. Thực tế đội tuyển hồi ấy còn là U-19 không mạnh bằng các đối thủ qua cách chơi đã thể hiện nhưng nhờ vào một ý chí chiến đấu và tinh thần chiến thắng mãnh liệt đã gây nên địa chấn ở làng bóng châu Á.
Thế mà khi sắp sửa vào đấu trường U-20 World Cup mà mình đã mất nhiều công sức và rèn luyện trong đau đớn thì cái tâm lý từng làm nên tên tuổi của thầy trò Hoàng Anh Tuấn lại bị mai một đi.
Có một điều lạ trong ba trận giao hữu ở Đức và Hà Lan gặp toàn đối thủ có hình thể lẫn nền tảng bóng đá căn bản vượt trội hơn hẳn mình (một trận thua 1-2, hai trận thắng cùng 4-1), các tuyển thủ U-20 Việt Nam lại không bị tâm lý?
Đá chơi với U-20 Vanuatu cũng lần đầu dự giải như mình mà các học trò Hoàng Anh Tuấn đến giờ này còn yếu tâm lý thì khi đối diện với U-20 New Zealand, Pháp và Honduras ở sân chơi thật thì càng khó khăn hơn.
Chỉ còn bốn ngày nữa sẽ chơi trận đầu ở giải thế giới gặp đối thủ U-20 New Zealand (từng thắng U-20 Vanuatu 5-0 trận chung kết khu vực châu Đại Dương), mong cho U-20 Việt Nam đừng vỡ trận vì yếu tâm lý.