(PL)- Ngày 24-2, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm A/H7N9 trên người tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cần họp với lãnh đạo các đơn vị điều hành sân bay để kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Ngoài ra, trung tâm nên có tờ rơi về dịch bệnh bằng tiếng Anh để phát cho hành khách. Lãnh đạo Sở Y tế cũng lưu ý trung tâm cần đề ra các tình huống để kịp xử lý, kiểm tra chặt các chuyến bay đến từ vùng có dịch, nếu nghi ngờ phải cách ly ngay; đồng thời kiểm soát nguồn thức ăn trên máy bay để chặn nguồn lây.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, cho biết các phương án cách ly người bệnh (nếu có) đã sẵn sàng. Về nhân sự trực, trung tâm bố trí 15 kiểm dịch viên trực mỗi ngày. Khi có nhiều hành khách nghi nhiễm cúm A/H7N9, trung tâm đề nghị Sở Y tế tăng cường nhân sự.
Cán bộ thú y ở tỉnh Tây Ninh thu gom gia cầm chết. Ảnh: H.MINH
Chiều cùng ngày, UBND tỉnh Trà Vinh đã công bố dịch cúm gia cầm trên toàn địa bàn tỉnh. Đây là địa phương thứ 18 trên cả nước công bố dịch cúm gia cầm. Ông Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Trà Vinh, cho biết đến ngày 24-2, tỉnh Trà Vinh đã phát hiện sáu đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 với tổng số gần 10.000 con đã được tiêu hủy. Số gia cầm bị nhiễm cúm xảy ra ở năm xã của các huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè.
Huyện Châu Thành (Tây Ninh) vừa công bố dịch cúm gia cầm ở hai xã Hòa Hội và xã Trí Bình. Đến nay, tình hình dịch ở huyện này diễn biến theo chiều hướng xấu vì đã xuất hiện thêm ổ dịch ở hai xã Thái Bình và Long Vĩnh. Ngành chức năng đã tiêu hủy hơn 1.200 con gia cầm nhiễm bệnh. Huyện Bến Cầu (Tây Ninh) dù chưa công bố dịch nhưng vừa có một ổ dịch mới ở xã Lợi Thuận. Ngành chức năng đã tiêu hủy hơn 2.000 con gia cầm bệnh. Trạm Thú y huyện Bến Cầu đã tiêm vaccine cúm A/H5N1 cho hơn 17.000 con gia cầm trong huyện.
D.TÍNH - G.TUỆ - V.BÌNH - H.QUANG - H.MINH