Đến nay, việc cổ phần hóa của EVN vẫn còn chậm so với tiến độ. Trong ảnh: Kiểm tra thông số kỹ thuật một nhà máy nhiệt điện. Ảnh: TTXVN
Chưa báo cáo Thủ tướng 757 tỉ đồng tạm ứng dự án
Cụ thể, Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch đến 2008 phải chuyển đổi sang mô hình tổ chức mới với 55 đơn vị nhưng đến nay EVN mới thực hiện được 30 - chưa đạt tiến độ đề ra. Ngược lại, trong số các đơn vị được cổ phần hóa lại có nhiệt điện Phả Lại và thủy điện Thác Bà - không có trong danh mục được phê duyệt mà là theo quyết định của Bộ Công nghiệp. Đây là vấn đề phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Với số đơn vị đã được cổ phần hóa, số tiền thu được hơn 6.456 tỉ đồng là rất lớn nếu so với số vốn nhà nước tại các đơn vị này tại thời điểm định giá 8.257 tỉ đồng. Về cơ bản, số tiền này đã được chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp của EVN, trong đó 5.700 tỉ đồng được EVN đề nghị và Thủ tướng chấp thuận cho chuyển sang nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tập đoàn. Tuy nhiên, phần còn lại ngót 757 tỉ đồng, EVN đã chi tạm ứng cho các dự án đầu tư mà không báo cáo Thủ tướng. Tổng thanh tra kết luận là trái quy định và EVN cần báo cáo chi tiết với Thủ tướng về quá trình chi dùng này.
Định giá sai, sử dụng tài sản ngoài giá trị doanh nghiệp
Việc cổ phần hóa tại Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, Công ty CP Điện lực Khánh Hòa và Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh có nhiều chậm trễ. Chẳng hạn, công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh chính thức chuyển sang mô hình từ 6-2005 nhưng phải hai năm sau Bộ Công nghiệp mới có quyết định về việc xác định giá trị phần vốn nhà nước. Về xử lý tài sản khi cổ phần hóa, cả công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh và Điện lực Khánh Hòa đều xác định có một số tài sản, thiết bị, nhà cửa không cần dùng và không tính vào giá trị doanh nghiệp. Phần này lẽ ra phải bàn giao cho công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nhưng cả hai đơn vị đã không thực hiện. Trong khi đó, cổ phần hóa xong, cả hai công ty vẫn sử dụng số tài sản này. Thanh tra kết luận như vậy là vi phạm các nghị định và thông tư hướng dẫn về xử lý tài sản không cần dùng khi cổ phần hóa.
Đáng chú ý là việc định giá tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hóa ở cả ba đơn vị đều có sai phạm. Chẳng hạn, ở nhiệt điện Phả Lại, khi định giá dây chuyền Phả Lại 1, doanh nghiệp và đơn vị tư vấn đã sử dụng số liệu quyết toán của dây chuyền 2 - vốn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt để tính toán. Cũng ở nhiệt điện Phả Lại và công ty Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, khi xác định nguyên giá và giá trị còn lại với nhà cửa, vật kiến trúc, doanh nghiệp đã áp dụng không đúng suất đầu tư, đơn giá xây dựng cơ bản nên làm giảm giá trị doanh nghiệp mất hơn 4,4 tỉ đồng. Riêng Công ty CP Chế tạo thiết bị điện Đông Anh, lẽ ra số tiền thu được từ cổ phần hóa phải chuyển về quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa của EVN nhưng đến nay vẫn còn hơn 15 tỉ đồng chưa chịu nộp. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo EVN thu hồi ngay số tiền này và có phương án xử lý phần giá trị doanh nghiệp bị giảm do định giá sai.
Về xử lý hành chính, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công thương, chủ tịch EVN chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình cổ phần hóa nêu trên.
NGHĨA NHÂN