Năm nay tôi 26 tuổi, ngày xưa ông nội muốn đặt tên xấu cho tôi được dễ nuôi nhưng giờ tên đó ảnh hưởng đến công việc và khó khăn trong giao dịch, ký kết hợp đồng (tên Chột). Tôi muốn đổi tên khác có được không và thủ tục như thế nào, ở đâu giải quyết? Nếu được đổi tên thì các loại giấy tờ như giấy phép lái xe, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy khai sinh, hộ khẩu... có được đổi qua tên mới không?
Bạn đọc có địa chỉ email vanchot…@gmail.com
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Chỉ trong một số trường hợp nhất định thì cá nhân mới được quyền yêu cầu đổi tên.
Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong một số trường hợp, trong đó có trường hợp “theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó”.
Do đó, nếu chứng minh được việc sử dụng họ, tên có thể gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp thì bạn có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đổi họ, tên cho mình.
Hồ sơ đăng ký thay đổi họ, tên bao gồm:
- Tờ khai (theo mẫu).
- Bản chính giấy khai sinh của người thay đổi họ, tên.
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi họ, tên.
Đối với trường hợp thay đổi họ, tên cho người từ đủ 14 tuổi trở lên thì nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi người đó cư trú và đăng ký hộ tịch trước đây.
Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu việc thay đổi họ, tên có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì cán bộ của phòng tư pháp ghi vào sổ đã đăng ký khai sinh trước đây và quyết định về việc thay đổi họ, tên. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá ba ngày làm việc.
Sau khi có quyết định cho phép thay đổi họ, tên của cơ quan có thẩm quyền thì căn cứ vào đó để làm thủ tục đổi tên mới trong các giấy tờ liên quan khác.
Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.