Thai “đi lạc” trong... gan, lá lách

Ngày 6-7, tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba (Đồng Hới, Quảng Bình), các bác sĩ đã phẫu thuật lấy thai nhi 16 tuần tuổi nằm ngoài tử cung của một sản phụ tên D. Sau khi mổ thai nhi vẫn còn sống và sản phụ cũng đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Phùng Gia Ân (BV ĐH Y Dược TP.HCM) cũng cho biết cách đây hơn một năm, cơ sở này cũng đã mổ đẻ thành công cho một bà mẹ có thai ngoài tử cung hơn bảy tháng tuổi. Rất may là cả mẹ và con sau sanh đều mạnh khỏe. Theo các bác sĩ, mạng lưới y tế cơ sở của nước ta còn yếu nên đã không phát hiện và can thiệp kịp thời các ca thai ngoài tử cung ngay từ đầu. Việc thai ngoài tử cung nhiều tháng tuổi vẫn còn sống là cực kỳ hiếm gặp vì thông thường thai không đủ điều kiện phát triển.

Nỗi khổ thai “đi lạc’”

Thai ngoài tử cung là tình trạng thai không nằm trong lòng tử cung như bình thường mà nằm ở vòi trứng, buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung, trên vết mổ thành tử cung... Trong đó vòi trứng là nơi thường gặp nhất.

Thai “đi lạc” trong... gan, lá lách ảnh 1

Các bà mẹ phải đi khám thai sớm để phát hiện những bất thường của thai nhi. Ảnh minh họa: HTD

Thai ở ổ bụng là tình trạng thai đóng hẳn trong ổ bụng, có thể bám vào màng bụng, màng ruột hoặc thậm chí bám vào thành ruột. Năm 2007, BV Từ Dũ từng tiếp nhận một ca thai 22 tuần tuổi nằm trong gan phải của người mẹ. Năm 2004, BV Trung ương Huế khi siêu âm cho một sản phụ cũng phát hiện một thai bốn tuần tuổi nằm trong gan. BV Hùng Vương cũng từng phát hiện thai nằm trong gan, trong lá lách. Trường hợp thai nằm trong gan và lá lách là dạng cực kỳ hiếm và nguy hiểm của tình trạng thai ngoài tử cung, nếu không phát hiện sớm rất dễ gây tử vong cho bà mẹ.

Theo bác sĩ Tạ Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa Phụ ngoại BV Hùng Vương, nguyên nhân phụ nữ có thai ngoài tử cung cao nhất là do viêm nhiễm cơ quan sinh dục. Khi bị viêm nhiễm, vòi trứng sẽ bị tắc nghẽn, trứng đã thụ tinh không đến được lòng tử cung mà bị kẹt lại bên ngoài. Bác sĩ Thủy ví von: “Tử cung giống như cái nhà để ở, nếu nhà bừa bộn quá thì trứng thụ tinh không muốn về mà chỉ muốn đi chỗ khác”.

Thai ngoài tử cung dù ở vị trí nào cũng không thể lớn đủ chín tháng mười ngày để ra đời. Thai thường sẽ vỡ do nơi cư trú không chịu nổi kích thước của khối thai. Bác sĩ Thanh Thủy cho biết nhiều bà mẹ bị thai ngoài tử cung khi nhập viện khối thai đã bị vỡ, chảy máu nhiều trong ổ bụng nên các bác sĩ đành cắt bỏ thai để cứu sản phụ. Ngoài nguy hiểm tính mạng, nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, một số bộ phận liên quan như vòi trứng, tử cung có thể phải cắt bỏ khiến bà mẹ nếu được cứu sống cũng bị vô sinh hoặc khó có con về sau.

Ảnh hưởng từ nạo phá thai

Tại BV Hùng Vương (TP.HCM), mỗi năm có 700-800 trường hợp có thai ngoài tử cung đến điều trị, chiếm khoảng 2% phụ nữ đến khám thai. Một thống kê khác của BV ĐH Y Dược TP.HCM cũng cho thấy tỉ lệ thai ngoài tử cung là 1,4% (so với trước đây tỉ lệ này chỉ 0,58%). Theo các bác sĩ, sự gia tăng này có liên quan đến tình trạng nạo phá thai ngày càng nhiều ở nước ta.

Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Thanh Thủy thì người phá thai ở các cơ sở hợp pháp nguy cơ bị thai ngoài tử cung cao gấp 2-3 lần so với người bình thường (chưa từng phá thai). Người phá thai ở các cơ sở không hợp pháp thì tỉ lệ này cao hơn, 5-7 lần. Phụ nữ nạo phá thai có nguy cơ bị thai ngoài tử cung cao hơn bình thường vì lòng tử cung bị tổn thương. Việc nạo phá thai cũng dễ gây ra tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục nữ khiến vòi trứng bị tắc.

Ngoài ra, những người đã từng đẻ mổ cũng dễ bị thai ngoài tử cung. Vết mổ ở thành tử cung nếu không lành sẹo tốt sẽ tạo ra một khe hở trong lòng tử cung, đây là chỗ lý tưởng để trứng đã thụ tinh bám vào. Khi thai lớn, vết mổ sẽ bị nứt vỡ gây nguy hiểm cho người mẹ. Thai ngoài tử cung cũng thường gặp ở những người vô sinh lâu ngày mới có thai hoặc những người từng bị thai ngoài tử cung.

Để phòng tránh việc có thai ngoài tử cung, lời khuyên của các bác sĩ đối với phụ nữ là nên chủ động dùng các biện pháp tránh thai để không phải nạo phá thai vì mang thai ngoài ý muốn; giữ vệ sinh sạch sẽ, sinh hoạt tình dục lành mạnh để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm. Đặc biệt, khi có thai, các bà mẹ phải đi khám thai sớm để có thể phát hiện những bất thường của thai và can thiệp kịp thời.

. Thai ngoài tử cung khi bị vỡ sẽ có triệu chứng: đau bụng, đau vùng chậu dữ dội, xuất huyết âm đạo, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi, ngất xỉu…?

+ Đúng.

. Thai ngoài tử cung có thể phát hiện rất sớm?

+ Đúng. Phụ nữ bị trễ kinh bảy ngày, khi siêu âm và làm xét nghiệm máu đã có thể phát hiện được vị trí của thai.

. Mọi trường hợp đều phải mổ?

+ Sai. Khi phát hiện sự bất thường của thai, các bác sĩ thường loại bỏ thai sớm để bảo vệ sức khỏe của bà mẹ. Nhưng tùy trường hợp, các bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi, mổ hở hoặc cho uống thuốc để đình chỉ thai kỳ (hủy thai).

HUYỀN VI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm