Tháng 1-2014: Nhiều trường hợp được xóa nợ thuế

Nhiều quy định quan trọng liên quan đến đông đảo bạn đọc sẽ có hiệu lực thi hành trong tháng 1-2014. Báo Pháp Luật TP.HCM xin trích giới thiệu một số quy định.

Xóa nợ tiền thuế, tiền phạt khó thu hồi

Từ ngày 17-1, các khoản tiền thuế, tiền phạt phát sinh trước 1-7-2007 còn nợ không có khả năng thu hồi, bao gồm cả khoản tiền thuế, tiền phạt phát sinh phải nộp trước 1-7-2007 nhưng phát hiện, ấn định thu sau ngày này sẽ được xóa nợ. Đối tượng được thực hiện xóa nợ là các hộ gia đình, cá nhân và doanh nghiệp (DN) nhà nước. Thông tư 179/2013 của Bộ Tài chính về việc thực hiện xóa nợ tiền thuế, tiền phạt không có khả năng thu hồi quy định như vậy.

Thủ tướng Chính phủ sẽ thực hiện xóa nợ đối với trường hợp tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỉ đồng trở lên; bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ từ 5 đến dưới 10 tỉ đồng; Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xóa nợ đối với các trường hợp dưới 5 tỉ  đồng.

Tháng 1-2014: Nhiều trường hợp được xóa nợ thuế ảnh 1
 

Từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12, ngân hàng sẽ xem xét, quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn theo quy định. Ảnh: HTD

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp

Áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập DN là 22% (quy định hiện hành là 25%) kể từ ngày 1-1 và sẽ giảm xuống còn 20% kể từ 1-1-2016. Bổ sung vào diện áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đối với các khoản thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo in); thu nhập của DN từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn khó khăn… Đây là quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập DN được QH thông qua ngày 19-6-2013.

Thêm nhiều đối tượng được miễn thuế GTGT

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013 hướng dẫn Luật Thuế GTGT sửa đổi cùng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1, sẽ có thêm nhiều trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Đó là tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh dịch vụ hàng hóa chịu thuế GTGT cho DN, hợp tác xã; sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường (không phân biệt có phải là hàng hóa tự sản xuất, đánh bắt hay không). Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 100 triệu đồng trở xuống; bảo hiểm sức khỏe, các dịch vụ bảo hiểm khác liên quan đến con người; các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác; bảo hiểm tàu, thuyền, trang thiết bị và các dụng cụ cần thiết khác phục vụ trực tiếp đánh bắt thủy sản; bảo hiểm cho ngư dân. Phụ tùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

Được vay bằng ngoại tệ

Từ ngày 1-1 đến hết ngày 31-12, ngân hàng sẽ xem xét, quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ. Cho vay ngắn hạn đối với DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu năm 2014; cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam...

Ngoài ra, các nhu cầu vốn khác thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ cũng sẽ được xem xét cho vay bằng ngoại tệ. Thông tư số 29/2013 của NHNN quy định như trên.

Chậm nộp tiền phạt, nộp thêm 0,05%/ngày

Kể từ ngày 26-1, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về hải quan nếu chậm nộp tiền phạt, ngoài việc phải nộp đủ số tiền phạt thì cứ mỗi ngày chậm nộp phạt phải nộp thêm 0,05%/ngày tính trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Đây là nội dung mới đáng chú ý tại thông tư 190/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết thi hành Nghị định số 127/2013 về xử phạt VPHC và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan. Thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần không tính là thời gian chậm nộp tiền phạt.

Ngoài ra, sẽ áp dụng hình thức ra quyết định xử phạt tại chỗ đối với trường hợp phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Thời hạn ra quyết định xử phạt là bảy ngày kể từ ngày lập biên bản VPHC (quy định hiện hành là 10 ngày).

 

Tịch thu tiền nghi giả; đổi tiền cũ, rách miễn phí

Từ ngày 20-1, khi giao dịch tiền mặt với khách hàng, nếu phát hiện đồng tiền có dấu hiệu tiền giả, nghi giả, ngân hàng sẽ lập biên bản và tạm thu giữ số tiền đó. Nghiêm cấm ngân hàng trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng. Thông tư 28 (năm 2013) của NHNN có hiệu lực thi hành từ 20-1 quy định như trên.

Các ngân hàng sẽ thu, đổi các loại tiền không đủ chuẩn lưu thông do bị cũ, rách nát, hư hỏng hoặc biến dạng. Tiền không đủ chuẩn lưu thông nếu do nguyên nhân khách quan (hỏng do quá trình lưu thông) sẽ được thu, đổi ngay không hạn chế số lượng, không yêu cầu thủ tục giấy tờ. Tiền bị rách nát, hư hỏng do nguyên nhân chủ quan (hỏng do quá trình bảo quản như rách mất một phần, thủng lỗ, bị cháy, biến dạng…) thì các đơn vị thu, đổi sẽ xem xét quyết định đổi hay không đổi theo điều kiện do NHNN đã quy định. Thông tư 25 (năm 2013) của NHNN nêu.

ĐẶNG LIÊN giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm