Đó những câu thơ náo nức tự hào của nhà thơ Tố Hữu viết sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Phải trở ngược lịch sử về lại khoảng thời gian từ tháng 8-1945 đến tháng 12-1946 mới hiểu “mây nhởn nhơ bay” ngày chiến thắng là nặng thế nào. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, nước cộng hòa non trẻ vừa tuyên bố ra đời ngày 2-9 thì đến ngày 23-9 quân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, mưu toan quay lại đô hộ Việt Nam một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng nhãn quan chính trị sáng suốt và tài thao lược cách mạng của mình đã tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh nhưng vẫn không quên chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho toàn dân tộc trong nguy cơ xấu nhất xảy đến. Cụ Hồ ký với đại diện chính phủ Pháp ở Hà Nội bản Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Cụ Hồ ký với chính phủ Pháp tại Paris bản Tạm ước 14-9-1946. Trong cả hai văn kiện này, ông có những nhân nhượng về những điều khoản cụ thể để loại bớt kẻ thù, để tranh thủ những điều kiện cần thiết chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến có thể đến nhưng ông không khoan nhượng và thỏa hiệp về nguyên tắc - nền độc lập của Việt Nam, bởi ông biết rõ dã tâm của kẻ xâm lược.
Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc của dân tộc khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một niềm tin vào nhân dân làm điểm tựa duy nhất của mình, ngay cả khi ông bị các đảng phái chính trị đối lập cho rằng ký Hiệp định sơ bộ là ông đã bán nước. Trước khi lên đường sang Paris với tư cách khách mời của chính phủ Pháp (6-1946), Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho đồng bào Nam Bộ nói rõ: “Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng, Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”. Chỉ một lời hứa đó thôi, lời hứa giản dị và thiêng liêng, được nói ra công khai, đàng hoàng, của người đứng đầu Chính phủ với người dân, nhất là người dân ở nơi đang đối mặt với kẻ thù xâm lược, đã trở thành một giao kết sắt son của lãnh tụ và nhân dân, của nhà nước và công dân, làm thành sức mạnh to lớn, vững chắc của lòng yêu nước đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa với nhân dân của mình và phơi bày trước nhân dân thế giới âm mưu của kẻ thù để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với vận mệnh dân tộc mình.
Cả nước Việt Nam tin tưởng Cụ Hồ, ủng hộ nền cộng hòa non trẻ do Cụ lập nên, quyết chiến với kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội và quyết thắng, bởi vì Cụ đã tuyên bố mình chỉ có một đảng là Đảng Việt Nam. Trả lời các nhà báo nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: “Trong một nước dân chủ thì mọi người đều có tự do tin tưởng, tự do tổ chức. Nhưng vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái. Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài” (báo Cứu quốc, số 147, ngày 21-1-1946; Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, năm 2000, trang 267-268). Điều này đã được Cụ Hồ khẳng định lại trong lời tuyên bố tại phiên họp ngày 31-10-1946 của kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, sau khi được Quốc hội nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới: “Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới: Tôi chỉ có một đảng, ??ng Vi?t Namđảng Việt Nam”. (Báo Cứu quốc, số 394, ngày 3-11-1946; HCMTT, tập 4, năm 2000, trang 961).
Và ngày 19-12-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam đã đứng lên theo Cụ Hồ và Đảng Việt Nam của cụ làm cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp khi mà sự nhân nhượng của chúng ta đã đi đến giới hạn chịu đựng cuối cùng, không thể chấp nhận được nữa, bởi vì chúng ta càng nhân nhượng kẻ thù càng lấn tới. Cụ Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và cả nước đã đứng lên đánh giặc trường kỳ ba ngàn ngày không nghỉ tới trận đại thắng Điện Biên Phủ buộc kẻ thù phải cuốn gói khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Bài học Cách mạng tháng Tám 1945 mỗi độ thu về lại nhắc ta là bài học lòng dân, bài học thống nhất lòng dân vì quyền lợi cao nhất của dân tộc.
PHẠM XUÂN NGUYÊN