Nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi vừa trở thành giám khảo chương trình Thần đồng âm nhạc - Wonderkids. Đây chỉ là chương trình đầu tiên mở màn cho rất nhiều chương trình do chính Thanh Bùi nhúng tay vào sản xuất nội dung để phát triển nội dung kênh HTV3. Đây là điểm khá lạ khi trước đó ca sĩ này từng công khai từ chối ngồi ghế nóng những chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi.
Chỉ sáng tạo mới giúp trẻ khác biệt
. Phóng viên: Là ca sĩ, nhạc sĩ, bỏ đi làm thầy giáo, giờ anh lại là nhà sản xuất chương trình, điều gì khiến anh liên tục thay đổi như thế?
+ Nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi: Có lẽ trước tiên do tôi đã có con. Khi có con bạn sẽ thấy rằng nền giáo dục đang có vấn đề. Việt Nam mình chừng 30 năm nữa sẽ là thế hệ của robot, công nghệ chiếm 80% công việc, mình chuẩn bị cho con mình như thế nào?
Khi có con mình mới thật sự nghĩ đến nhiều thứ, mới bắt đầu suy nghĩ con ăn gì, xem gì, suy nghĩ sao… Trong khi nước ngoài có Cartoon Network, Doraemon, Play School…, Việt Nam không có gì hết, đúng nghĩa “nothing”. Tôi ngồi nghĩ ủa, những câu chuyện cổ tích, lịch sử của Việt Nam đâu? Sao mình không kể câu chuyện của nước mình? Đó là lý do tại sao tôi làm. Sẽ là cuộc cách mạng cho HTV3, tôi thấy vui lắm bởi đó là kênh giáo trí, tức giáo dục qua giải trí.
Hiện tôi đã có sân chơi ở Soul Music & Performing Arts Academy nhưng nếu chỉ dừng ở Soul thì tôi chỉ dạy được một lượng học sinh nhất định, còn qua tivi tôi hướng dẫn được hàng triệu em bé.
Với ca sĩ Thanh Bùi, giáo dục trẻ - kể cả trong âm nhạc, đầu tiên phải là tính kỷ luật và phát huy sáng tạo chứ không phải hào quang . (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Không thể có chuyện “From Zero to Hero”
. Như anh nói thì chương trình cho thiếu nhi trên truyền hình không ổn, nhất là các chương trình tìm kiếm tài năng ca nhạc, thật sự anh nghĩ những chương trình tìm kiếm tài năng nhí, game show nhí trên các kênh hiện là… đồ bỏ?
+ Những chương trình đó trong bối cảnh quốc tế, môi trường khác sẽ đem giá trị khác. Con nít Việt Nam, cha mẹ Việt Nam cho con mình thi có nhiều lý do lắm. Đúng hay sai tôi chỉ mong phụ huynh định hướng được cho con.
Tôi ví dụ với Wonderkids - Thần đồng âm nhạc, tôi làm sẽ không loại bé nào, để từ đó các em học được cách tập kỷ luật, hiểu được muốn trở thành nghệ sĩ phải có những kỷ luật gì. Đó là lý do tôi luôn nói rằng không thể có “From Zero to Hero” (từ số 0 thành người hùng) từ một chương trình truyền hình.
. Anh nói các chương trình truyền hình thực tế hiện không dựa trên nền tảng giáo dục giải trí như anh mong muốn, không thể có đứa trẻ “From Zero to Hero” như slogan chương trình Thần tượng âm nhạc nhưng thực tế anh được khán giả Việt Nam biết đến bởi từng vào tốp 8 Australia Idol. Vậy điều anh nói liệu có phủ nhận sạch trơn?
+ 19 tuổi tôi đã ký hợp đồng với Universal ba bài hát, trước khi đến với Idol tôi đã ký hợp đồng bán được 100.000 đĩa; viết nhạc cho phim hoạt hình, các chương trình… Thời điểm tôi thi Idol, tôi thành công trong nhóm, đứng sau lưng mọi người. Khi thi Idol, tôi nghĩ đến lúc mình phải dũng cảm bước ra một mình, bỏ qua mặc cảm với ngoại hình, nhất là gương mặt Á châu của mình. Tôi thi Idol lúc 25 tuổi, vậy thì không thể có gì “Zero to Hero” hết trơn.
. Từng tham gia showbiz, ngồi ghế giám khảo The Voice Kid, giờ lại sắp sản xuất chương trình truyền hình tài năng nhí, anh có sợ người ta nghĩ anh đang “làm trò”?
+ Tôi nghĩ mình đã có quá trình dài, những gì tôi làm đều chất lượng. Khi công bố chương trình Wonderkids, tôi chưa bao giờ nói những chương trình truyền hình khác dành cho trẻ em đang có là dở hay sai, tôi chỉ nói về mặt cốt lõi tôi không đồng ý với nó. Vì Việt Nam chương trình quá nhiều mà tài năng lại không đủ, nên các em “chạy sô” nhảy hết chương trình này đến chương trình khác.
Chương trình của chúng tôi không phải game show, không loại ai, nó là chương trình giáo dục giải trí xây dựng con người, qua điều này tôi mong mọi người hiểu rằng để có thể thành những nghệ sĩ nổi tiếng thì sau lưng họ là nền tảng vững chắc của giá trị văn hóa, âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển.
Tôi vẫn nhớ khi vừa về Việt Nam, mọi người cứ hỏi anh là ca sĩ, nhạc sĩ hay nhà giáo dục, nhà kinh doanh… anh là ai vậy? Tôi vẫn nhớ khi mới mở trường, có những người cá độ tôi… sáu tháng đóng cửa, lấy nổi tiếng để đào tạo “gà”… Nhưng qua thời gian, tôi xây dựng giáo dục thông qua âm nhạc nghệ thuật và 99% học trò của Soul… không theo đường nghệ thuật. Tôi vẫn tự hào nhiều em học giỏi toán, chơi cờ vua, thi robocon… của TP này là học trò của Soul. Đứa trẻ giỏi về âm nhạc nghệ thuật chắc chắn giỏi các nghề khác. Nếu logic cho mình đi từ A đến B thì sự sáng tạo sẽ dẫn ta đến vô cùng.
. Xin cám ơn anh.
Mong năm năm sẽ có 75% nội dung thuần Việt Chia sẻ về áp lực rating buộc phải chiêu trò khi làm chương trình, nhạc sĩ, ca sĩ Thanh Bùi cho rằng: “Sống cuộc đời này tôi thấy may mắn vì không quan tâm những vấn đề này. Phụ huynh hay hoang mang, không biết cho con học ở đâu, cho con ăn gì, làm sao cho con rời khỏi máy tính bảng, con và mẹ không nói chuyện được phải nhờ đến thầy cô… Tôi thấy mình cần chia sẻ điều đó. Điều tôi sẽ thu được nhiều hơn rating là làm sao để có những chương trình mà ở đó các bà mẹ ngồi xuống chia sẻ được với con. Hiện HTV3 đang từng bước phát triển, từ ngày 1-7 sẽ đẩy mạnh thêm nhiều nội dung thuần Việt, tôi hy vọng trong năm năm tới sẽ có 75% chương trình nội dung thuần Việt. Tôi chú trọng nội dung thuần Việt bởi chỉ có từ văn hóa bản địa mới có thể vào được tâm hồn người xem”. ________________________________ Sắp tới tôi sẽ học tiến sĩ ngành giáo dục bởi tôi muốn góp sức xây dựng xã hội tốt hơn, điều đó không có gì khác ngoài giáo dục. Nếu đứa trẻ nào cũng giỏi tiếng Anh, cũng học giỏi… vậy sự khác biệt giữa các em ở đâu, sự cạnh tranh là gì? Đó chính là sự sáng tạo. Thế giới đang quan tâm đến giáo dục sáng tạo (creative education). Nếu con cháu mình không học nghệ thuật âm nhạc sớm nhất có thể thì sẽ rất thiệt thòi. Con bạn có thể học giỏi toán nhưng chưa chắc sẽ là một con người cởi mở, tự tin. Ca sĩ THANH BÙI |