Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định 1726 về việc ban hành quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là ở Điều 6: “Cơ quan đại diện hoặc PV thường trú có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động khi vi phạm”. Để làm rõ hơn, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hữu Quyết (ảnh), Phó Giám đốc Sở Thông tin-Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thanh Hóa.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đ.TRUNG
. Phóng viên: Trong Thông tư 13/2008-Bộ VHTT không có quy định nào về việc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấm dứt hoạt động đối với các cơ quan đại diện, thường trú báo trung ương, địa phương khác. Vậy việc ra quy chế của tỉnh Thanh Hóa dựa trên căn cứ nào, thưa ông?
+ Việc ban hành Quyết định 1726 dựa trên Luật Báo chí, thông tư của Bộ VHTT và các văn bản khác nhằm cụ thể hóa các quy định. Trước đây cũng có một số tỉnh đã ban hành như Nghệ An, Tiền Giang. Trong quyết định nói rất cụ thể là thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp. Đối với cơ quan đại diện, PV thường trú vi phạm có thể bị yêu cầu chấm dứt hoạt động tại địa phương sau khi thực hiện các quy trình như phối hợp với cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan thống nhất xử lý. Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra quy định trên sẽ tránh được việc đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật cũng là bảo vệ tốt cho các cơ quan báo chí.
Quyết định ban hành quy chế quản lý nhà nước đối với cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Đ.TRUNG
. Bộ TT-TT là cơ quan có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động báo chí, thẻ nhà báo khi vi phạm. Vậy UBND tỉnh Thanh Hóa ra quy chế “chấm dứt hoạt động” đối với báo chí liệu có vượt quá thẩm quyền?
+ Tất cả cơ quan báo chí muốn đặt đại diện, PV thường trú tại Thanh Hóa đều phải xin phép UBND cấp tỉnh và phải đầy đủ thủ tục theo quy định. Sau đó Sở TT-TT, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý thì mới được phép hoạt động trên địa bàn. Vì thế cơ quan đại diện báo chí hoặc PV thường trú vi phạm, tùy theo mức độ tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan chủ quản xử lý theo quy trình. Theo đó ra quyết định tạm dừng, thay đổi, chấm dứt hoạt động của cơ quan đại diện, PV thường trú cơ quan báo chí trong nước đóng trên địa bàn.
Trước khi UBND tỉnh quyết định ban hành văn bản trên, Sở TT-TT đã xin ý kiến của nhiều sở, ban ngành như Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Công an tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Chi hội Báo chí Trung ương tại địa phương… Sau đó Sở TT-TT tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định. Sau những thông tin phản ánh từ phía cơ quan báo chí, Sở TT-TT đã có văn bản giải trình, giải thích và quyết định cũng đã được gửi tới Bộ Tư pháp. Nếu sai thì sửa hoặc hủy bỏ nếu Bộ Tư pháp yêu cầu.
Phóng viên NGUYỄN THẾ SƠN (Nghệ An): Quy chế của Thanh Hóa trái luật Luật Báo chí và các văn bản quy phạm khác cho phép các cơ quan báo chí, PV được hoạt động báo chí trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Thế nhưng tỉnh Thanh Hóa lại ban hành Quyết định số 1726 quy định về hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh. Có thể xem đây là “luật riêng” của tỉnh, trái với Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật khác có giá trị pháp lý cao hơn. Bởi việc chấm dứt, hạn chế hoạt động của báo chí phải được áp dụng theo quy định của Luật Báo chí, nghị định và thông tư liên quan. Chính vì vậy UBND tỉnh không đủ thẩm quyền để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để “yêu cầu thay đổi hoặc chấm dứt hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh” được. Có thể việc ra Quyết định 1726 là do trình độ của các phòng ban chuyên môn nhưng cũng có thể xuất phát từ tâm lý “ngại tiếp xúc báo chí” của UBND tỉnh này. Đề nghị Cục Kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp có ý kiến, tránh tình trạng mỗi tỉnh đều có quyền ra quy định riêng trái luật. Nhà báo PHAN QUANG TUYẾN, Trưởng Đại diện báo Bưu Điện Việt Nam tại TP.HCM: Quy chế sẽ tác động tiêu cực đến môi trường hoạt động báo chí Theo tôi, hoạt động của cơ quan đại diện báo chí và tác nghiệp của nhà báo ở các địa phương trên cả nước đều phải tuân thủ Luật Báo chí và các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là cần tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Trong trường hợp nếu cơ quan đại diện báo chí hoặc nhà báo có hành vi vi phạm pháp luật, tùy ở mức độ nặng nhẹ đều bị xử lý chế tài bởi các quy định của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn dưới luật. Dó đó việc UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định 1726 vô hình trung đã tạo thêm “giấy phép con” trong hoạt động báo chí. Các nội dung quy định trong quy chế này đã tác động tiêu cực đến môi trường báo chí thân thiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như lâu nay, gây cản trở quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân được pháp luật bảo hộ. |
ĐẶNG TRUNG