Thanh toán viện phí đối với bệnh COVID-19 sẽ thay đổi

(PLO)- Từ ngày 20-10, người mắc COVID-19 có thẻ BHYT khi điều trị bệnh sẽ được Quỹ BHYT chi trả theo quy định.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3896/QĐ-BYT về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Quyết định có hiệu lực từ ngày 20-10.

Theo đó, các hoạt động phòng, chống COVID-19 sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Một số bạn đọc thắc mắc việc chuyển bệnh COVID-19 sang nhóm B thì việc thanh toán chi phí điều trị COVID-19 sẽ thay đổi như thế nào? Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với đại diện cơ quan BHXH TP.HCM xoay quanh vấn đề này.

covid-nhom-b.jpg
Từ ngày 20-10, người mắc bệnh COVID-19 có tham gia BHYT sẽ được BHYT chi trả chi phí điều trị. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thanh toán viện phí đối với bệnh nhân mắc COVID-19

. Phóng viên: Trước đây, khi bệnh COVID-19 thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A thì việc thanh toán chi phí điều trị bệnh đối với người có thẻ BHYT sẽ được thực hiện như thế nào?

+ Đại diện BHXH TP.HCM: Khi bệnh COVID-19 ở nhóm A thì việc chi trả chi phí điều trị được thực hiện theo hướng dẫn tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản của Bộ Y tế.

Cụ thể, đối với người bệnh có thẻ BHYT trong thời gian cách ly y tế tập trung do mắc COVID-19 tại cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT sẽ do ngân sách nhà nước chi trả chi phí KCB. Chi phí điều trị gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền...

Đồng thời, người có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán phần chi phí KCB các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT như đối với trường hợp đi KCB đúng tuyến.

Ngoài ra, người có thẻ BHYT phải tự chi trả chi phí cùng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi được hưởng BHYT (nếu có) theo quy định của Luật BHYT.

. Từ ngày 20-10, khi bệnh COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B thì người bệnh chi trả chi phí điều trị ra sao?

+ Khi bệnh COVID-19 chuyển sang nhóm B đối với người bệnh có thẻ BHYT điều trị bệnh COVID-19 sẽ được Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng BHYT sẽ theo quy định của Luật BHYT và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, được Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện.

Trong trường hợp, nếu người bệnh không tham gia BHYT thì sẽ tự thanh toán chi phí điều trị.

Khi điều trị COVID-19 NLĐ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 26 và Điều 28 Luật BHXH.

Nghỉ việc điều trị COVID-19 hưởng chế độ ốm đau

. Khi điều trị bệnh COVID-19, người bệnh có tham gia BHXH sẽ được hưởng chế độ ốm đau ra sao?

+ Khi điều trị COVID-19, người lao động (NLĐ) được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25, khoản 1 Điều 26 và Điều 28 Luật BHXH.

Cụ thể, NLĐ bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở KCB có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; được nghỉ 40 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; được nghỉ 60 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

Đối với NLĐ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XB, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm; nghỉ 50 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên.

. Mức hưởng chế độ ốm đau đối với NLĐ mắc COVID-19 phải điều trị bệnh sẽ được tính như thế nào?

+ Mức hưởng chế độ ốm đau sẽ tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.•

Mức hưởng BHYT khi người bệnh khám chữa bệnh trái tuyến

Mức hưởng BHYT trái tuyến hiện nay được quy định tại các điều 22, 23 Luật BHYT năm 2008; các khoản 15, 16 Điều 1 Luật BHYT sửa đổi năm 2014.

Cụ thể, người có BHYT tự đi KCB diện BHYT không đúng tuyến thì được Quỹ BHYT thanh toán như sau:

Tại bệnh viện (BV) tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

Tại BV tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi của thẻ BHYT.

Tại BV tuyến huyện là 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT của đối tượng.

BHXH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm