Chính phủ (CP) của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra mắt quốc dân hôm qua, 9-4, sau khi kết quả phê chuẩn của Quốc hội (QH) được công bố. Toàn bộ danh sách ba phó thủ tướng, 18 bộ trưởng - thành viên CP mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình đều được QH thông qua. Khác nhau có chăng là ở tỉ lệ phiếu cho mỗi ứng viên.
Hai bộ trưởng Quân đội, Công an nhận được phiếu cao
Theo kết quả này, cả hai tân ủy viên Bộ Chính trị Trương Hòa Bình (vừa được miễn nhiệm chức danh chánh án TAND Tối cao) và Vương Đình Huệ (hiện là trưởng ban Kinh tế Trung ương) đều được QH phê chuẩn với số phiếu như nhau, 442 phiếu. Ông Trịnh Đình Dũng, vừa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Xây dựng để làm phó thủ tướng, nhận 404 phiếu (trong tổng số 487 đại biểu QH có mặt tại hội trường).
Ở nhóm các bộ trưởng, cũng như thường lệ, hai bộ của lực lượng vũ trang nhận được phiếu phê chuẩn cao nhất, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) - 462 phiếu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm (vừa trúng cử ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, hiện là Thứ trưởng Bộ Công an) nhận được 459 phiếu.
Người nhận được phê chuẩn thấp nhất là Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (hiện là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương). Ông có tới 184 ý kiến không tán thành.
Danh sách bộ trưởng mới cho thấy đây là kết quả chuẩn bị nhân sự khá kỹ lưỡng của Trung ương khóa XI và CP của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hầu hết tân bộ trưởng là thứ trưởng ở chính bộ đó. Họ đều là nhân sự “tại chỗ” như Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng… Tất cả đều trưởng thành từ chính các bộ này, có người được luân chuyển một thời gian ngắn về địa phương, rồi quay lại bộ chuẩn bị làm người kế nhiệm.
Một số ít trường hợp không phải là người tại chỗ như Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung (Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan trung ương chuyển sang), Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu (Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương).
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù không trúng cử tại Đại hội XII như Trung ương khóa XI giới thiệu nhưng vẫn được Bộ Chính trị tín nhiệm để không đưa ra QH miễn nhiệm trong đợt này. Với những gì đã thể hiện trong mấy năm qua, bà sẽ tiếp tục công việc của mình ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ này (tháng 7-2016).
Cao nhất 62 tuổi, trẻ nhất 48
So sánh CP của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thời điểm này với CP của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu nhiệm kỳ, tháng 8-2011, cũng thấy một số điểm đáng chú ý.
Ấy là tuổi tác cao hơn. Tại thời điểm so sánh, cả hai vị thủ tướng đều là người nhiều tuổi nhất trong CP (62). Khác chút là ở người trẻ nhất: 46 tuổi với tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và 48 tuổi với ông Vũ Đức Đam, ở đầu nhiệm kỳ là Chủ nhiệm Văn phòng CP.
CP đầu nhiệm kỳ có bốn phó thủ tướng, đến giữa nhiệm kỳ mới bổ sung ông Phạm Bình Minh. Còn CP lần này đủ luôn năm phó thủ tướng.
Số thành viên CP là ủy viên Bộ Chính trị được tăng lên sáu (Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ, Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Ngô Xuân Lịch, Tô Lâm), so với bốn ở đầu nhiệm kỳ (Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Phùng Quang Thanh, Trần Đại Quang). Liên quan đến đặc điểm này là Bộ Chính trị đầu khóa XI chỉ có 14 vị, phải bầu bổ sung giữa nhiệm kỳ thành 16, còn khóa XII này, ngay trong Đại hội XII đã bầu đủ luôn ban lãnh đạo 19 người.
Nhưng lại có khác biệt ở chỗ CP lúc này có một thành viên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không phải là ủy viên Trung ương XII, trong khi đầu nhiệm kỳ, toàn bộ 27 thành viên nằm trong Trung ương XI.
Hoàn tất kiện toàn nhân sự lãnh đạo nhà nước Về mặt pháp lý, bộ máy nhà nước ở trung ương vẫn thuộc nhiệm kỳ QH khóa XIII, song thực chất hầu hết nhân sự chủ chốt đến lúc này đã được thay mới - mà theo nghị quyết của Đảng là kiện toàn, gắn theo kết quả Đại hội XII. Bên cạnh các chức danh lãnh đạo nhà nước cao nhất gồm chủ tịch nước, chủ tịch QH, thủ tướng CP, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, tổng kiểm toán đều là người mới, hầu hết chức danh bộ trưởng và tương đương ở CP, QH đều được kiện toàn: Bên CP là 3/5 phó thủ tướng, 18/21 bộ trưởng; bên QH là 2/4 phó chủ tịch, 7/13 ủy viên Ủy ban Thường vụ QH - tất cả đều vừa được bầu, phê chuẩn mới. Tháng 7 tới, sau khi có kết quả bầu cử đại biểu cơ quan dân cử các cấp, QH khóa XIV sẽ họp kỳ đầu tiên. Theo Hiến pháp, QH sẽ bầu, phê chuẩn các chức danh nhà nước được tính theo nhiệm kỳ của QH. Nhiều khả năng những nhân sự đã được kiện toàn lần này sẽ được ủng hộ để tiếp tục nhiệm vụ. Chỉ có nhân sự cũ là sẽ được cân nhắc để tiếp tục hay thay bằng người mới. Như thế, có thể nói cơ cấu tổ chức, nhân sự lãnh đạo bộ máy nhà nước từ giờ sẽ được giữ cơ bản ổn định để tiếp tục công việc ở những năm tiếp theo. |