Thầy trò đua nước rút với kỳ thi quốc gia

Vừa rời lớp học thêm buổi chiều ở trường, dù đã sau 17 giờ, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 12 đã tất tả đến Trường THPT Gò Vấp để đón con đến lớp học thêm buổi tối ở trung tâm hoặc tại nhà giáo viên.

Các em lớp 12 của Trường THPT Gia Định (TP.HCM) phải qua ba lần thi thử trong năm học. Ảnh: P.ANH

Ba lần thi thử trong năm

Theo ghi nhận, đây là trường chỉ dạy một buổi nên thời điểm này, hầu hết học sinh (HS) khối 12 đều học thêm buổi chiều trong trường với 12 tiết/tuần. Các em học theo khối thi 4-5 môn đã đăng ký chọn từ đầu năm học.

Chị Đinh Thị Thủy cho hay con chị học thêm trong trường từ đầu năm theo thông báo tăng tiết của nhà trường. Nhưng từ học kỳ 2, chị cho con đăng ký thêm hai lớp buổi tối thứ Ba, Năm, Bảy tại nhà giáo viên. Thứ Ba và Năm học toán, thứ Bảy học tiếng Anh vì con chị định hướng thi khối A1. Riêng Chủ nhật chị cho con vừa đi chơi vừa học nhóm với các bạn.

“Thấy con học cả ngày lẫn đêm cũng thương nhưng lớp 12 là năm học quyết định tất cả thì phải ráng thôi, chỉ học trong trường thấy không yên tâm. Cha mẹ bỏ tiền thì con bỏ công vậy” - chị Thủy nói.

Trường THPT Gia Định thời điểm này cũng bắt đầu tăng tốc để chuẩn bị cho đợt kiểm tra giữa kỳ. Ngay sau đợt kiểm tra này, hơn 1.000 HS khối 12 sẽ tiếp tục đợt thi thử ĐH lần hai trong ba ngày. Kỳ thi này tổ chức theo hình thức kỳ thi THPT Quốc gia với ba môn bắt buộc là ngữ văn, toán, tiếng Anh và một số môn tự chọn theo nguyện vọng của học sinh. Đợt một diễn ra trước tết và hai đợt sau thi học kỳ 2 (khoảng giữa tháng 6). Thường mỗi HS sẽ thi ít nhất là bốn hoặc năm môn, phần lớn các em chọn các môn ở khối tự nhiên, số HS chọn môn sử và địa rất ít.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Cúc, thi thử là cơ hội cho các em thử sức để biết năng lực của mình đến đâu, từ đó các em sẽ chọn môn và phân bổ thời gian học hợp lý hơn. Nếu em nào thấy môn nào quá sức thì sẽ định hướng chọn lại cho phù hợp hơn. Giáo viên biết cách ra đề, biết lực học của HS để điều chỉnh cách dạy. Nội dung thi sẽ theo mức độ đề thi ĐH và cố gắng không gây áp lực cho giáo viên và HS. Riêng đợt ba sẽ thi theo đúng chương trình của Bộ GD&ĐT quy định cho kỳ thi THPT Quốc gia.

“Kỳ thi này không lấy điểm và chỉ cho điểm cộng vào điểm một tiết của từng môn với điều kiện môn đó đạt từ 7 điểm trở lên và khen thưởng những em có điểm cao nhất theo tổ hợp môn” - bà Cúc cho hay.

Mở lớp phụ đạo

Không chỉ tổ chức thi thử, Trường THPT Gia Định còn mở một lớp học dành cho những em không may gặp những biến cố về sức khỏe hoặc gia đình khiến kết quả các kỳ kiểm tra hoặc thi thử chưa tốt. Các em này sẽ được giáo viên phụ đạo lấy lại căn bản cho những môn còn yếu cũng như động viên, chia sẻ thêm để các em yên tâm học tập.

“Lớp này có khoảng 30-35 em. Các em có thể học lớp này một thời gian, khi nào thấy ổn định hẳn có thể về lại lớp cũ. Đây cũng là cách để giáo viên hiểu và theo sát các em hơn trong quá trình học, đảm bảo cho các em không bị hổng kiến thức” - bà Cúc cho hay.

Bà Bùi Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, cho biết hiện vẫn giữ kế hoạch dạy như bình thường, tức là vẫn tập trung dạy nâng cao cho những lớp đã phân hóa và đảm bảo đủ kiến thức cơ bản cho những lớp trung bình trở xuống, tập trung nhiều cho ba môn bắt buộc là toán, văn, tiếng Anh.

Theo bà Tâm, sau khi thi học kỳ 2, trường bắt đầu tổ chức lớp ôn thi theo năng lực và nguyện vọng của các em. Theo đó, buổi sáng các em tập trung cho ba môn bắt buộc là toán, văn và tiếng Anh. Thời lượng mỗi môn là tám tiết/tuần, trong đó năm tiết để giảng dạy và ba tiết để dò bài, ở các lớp học tốt hơn thì ba tiết này sẽ để dạy nâng cao và giải bài tập. Tuy nhiên, khó khăn mà trường gặp phải là các em chỉ chú tâm học và ôn những môn sẽ thi, xét tuyển ĐH. Như các em ở khối A, A1, B không chọn môn văn là môn xét tuyển ĐH nên đến giờ đó các em có đến lớp nhưng không học. Cũng có những em có năng lực học tốt lại chủ quan, không muốn đi học.

“Vì đầu vào của trường rất thấp nên để các em học như vậy là rất nguy hiểm. Vì thế trường phải lên kế hoạch rất kỹ, họp với giáo viên liên tục để đảm bảo trang bị tốt kiến thức căn bản cho các em” - bà Tâm chia sẻ.

Tại Trường THPT Ngô Gia Tự, theo ông Trương Quang Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, đến tháng 3 nhà trường sẽ họp với tất cả phụ huynh khối 12 để thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia. Từ đó trường mới lên kế hoạch ôn tập cho HS để đảm bảo chuẩn bị tốt nhất cho các em bước vào kỳ thi.

 

Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, điều quan trọng nhất là giáo viên có kế hoạch ôn tập tốt cho từng đối tượng HS theo nguyện vọng và năng lực của các em. Tuy nhiên, cần tạo tinh thần học và ôn thoải mái, nhẹ nhàng, không tạo áp lực, để các em bước vào kỳ thi một cách tốt nhất. Các trường có thể sáng tạo ra nhiều cách như thi thử, kiểm tra... nhằm khảo sát năng lực của các em nhưng phải theo nhu cầu thực tế của phụ huynh HS và không tạo áp lực nặng nề.

Nhu cầu, năng lực của các em đến đâu thì trường làm đến đó, miễn là HS thấy thoải mái và thích thú để học tập. Để khảo sát năng lực của HS, các trường có nhiều cách chứ không chỉ phải thi thử hay kiểm tra, ngay cả các kỳ kiểm tra định kỳ trong năm học cũng là một cơ sở cần thiết.

Ông LÊ DUY TÂN, Trưởng phòng Giáo dục trung học của Sở GD&ĐT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm