Thầy trò ông Park với VAR ở giải U-23 châu Á

Với công nghệ này, U-23 Việt Nam rất cần có những buổi tập huấn, mổ xẻ, thậm chí có những cầu thủ “giỏi” phạm lỗi kín phải cảnh giác và thay đổi cách chơi.

Tất cả 32 trận đấu tại giải đều áp dụng công nghệ VAR, đây là bước tiến của AFC so với Asian Cup 2019 hồi đầu năm khi VAR chỉ áp dụng từ tứ kết.

Đây là giải trẻ châu Á đầu tiên VAR được áp dụng tất cả trận đấu. Lực lượng trọng tài làm nhiệm vụ cũng được Ủy ban Các LĐBĐ quốc tế (IFAB) mở những lớp tập huấn về sử dụng và vận hành công nghệ VAR.

AFC cũng chỉ rõ bốn vai trò của VAR làm thay đổi trận đấu hoặc khắc phục những quyết định chưa chuẩn xác của tổ trọng tài: Bàn thắng hay không phải bàn thắng; quyết định dẫn đến phạt 11 m; thẻ đỏ và cuối cùng là quyết định lỗi của cầu thủ.

Chủ tịch AFC, ông Shaikh Salman Bin Ebrahim Al Khalifa nói: “Bóng đá châu Á đang tiệm cận với bóng đá đỉnh cao, nên chúng ta cần phải tiếp cận những công nghệ hỗ trợ để không bị bỏ lại sau lưng. Đây là thứ công nghệ đang hỗ trợ rất tốt cho bóng đá, mang lại sự sòng phẳng cho bóng đá và thúc đẩy sự phát triển bóng đá”.

32 trận đấu tại VCK U-23 châu Á diễn ra ở Bangkok (sân Rajamangala và Thammasat), Buriram (sân Chang Arena) và Songkhla (sân Tinsulanon).

Tại châu Âu, các đội bóng từ CLB đến đội tuyển quốc gia khi tham gia giải đấu có VAR đều được quán triệt công nghệ này, thậm chí nhiều cầu thủ phải thay đổi thói quen “phạm lỗi kín” hay sử dụng tiểu xảo.

Các đội tuyển Việt Nam hầu như chưa thi đấu dưới công nghệ VAR này khi tham gia các giải quốc tế. Đây có thể là một vấn đề của U-23 Việt Nam nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng khi trận đấu có “tai mắt” của VAR. Còn nhớ tại Asian Cup 2019, trong trận tứ kết với Nhật, đội Việt Nam đã thua bàn duy nhất từ quả 11 m được soi qua VAR từ pha bóng va chạm rất nhẹ của trung vệ Tiến Dũng với tuyển thủ Nhật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm