Theo Sputnik, cựu cố vấn Liên minh châu Âu (EU) Paolo von Schirach nhận định rằng các nhà lãnh đạo thế giới cần thận trọng trước khả năng hạt nhân tiềm tàng của Triều Tiên dù rằng trong lịch sử nước này thất bại trước công nghệ hạt nhân.
Paolo von Schirach là giáo sư về Quan hệ quốc tế tại ĐH Quốc tế BAU ở Washington DC. Ông đồng thời là nhà xuất bản kiêm chủ bút của Schirach Report. Ông từng là cố vấn cho Liên minh châu Âu (EU) và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ.
“Họ có vũ khí nguyên tử và đã cho thế giới thấy các tên lửa đạn đạo của nước này có thể đánh trúng các mục tiêu ở tận Mỹ” - Paolo von Schirach nói. “Hiện chưa rõ liệu Triều Tiên có khả năng lắp đặt thiết bị nguyên tử vào đầu đạn hạt nhân hay không, song chúng ta nên thận trọng với khả năng Triều Tiên có thể và sẽ không lâu đâu”.
Triều Tiên phóng vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyong 4 (Ảnh: AFP)
Cựu cố vấn Liên minh châu Âu cảnh báo rằng chính những hành động bất ngờ và sự cô lập của đất nước Triều Tiên là cơ sở để các nhà lãnh đạo thế giới tiên liệu những hành vi bất ngờ thậm chí là vô lý của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Giả sử Kim Jong Un sở hữu tên lửa hạt nhân với tầm bắn vươn tới Mỹ, sẽ là khôn ngoan khi xem xét điều này như một mối đe dọa. Việc Triều Tiên tấn công Mỹ nghe có vẻ vô lý nhưng chúng ta cũng nên chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất mà có thể trở thành hiện thực” - Schirach lập luận.
Mặc dù Mỹ đã chuẩn bị hệ thống tên lửa chống đạn đạo với chi phí hàng chục tỉ USD, họ vẫn không đảm bảo trong việc chống lại cuộc tấn công tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, ông cảnh báo.
“Mỹ đã phát triển và triển khai phòng thủ trước một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo. Nhưng Washington không có nhiều hệ thống như vậy và chúng cũng không hoàn hảo mấy. Chỉ có một lá chắn tên lửa chống đạn đạo hoàn hảo mới có thể ngăn chặn đáng kể hành vi thù địch của Triều Tiên” - ông nhấn mạnh.
Ông Schirach lưu ý rằng mặc dù Triều Tiên liên tục tuyên bố những động thái vốn bị thế giới chỉ trích là để phòng thủ nhưng những hành vi như thế của Bình Nhưỡng ngày càng khó dự đoán hơn trong những năm qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (Ảnh: KCNA)
“Ngay bây giờ rất khó nói kế hoạch trò chơi ở đây là gì. Khả năng về vũ khí tinh vi và tên lửa đạn đạo tầm xa, kết hợp với giọng điệu hiếu chiến của Bình Nhưỡng khiến chúng ta không thể “lơ là” mà xem đây chỉ là trò bịp được” - ông cảnh báo.
Theo ông Schirach, lệnh trừng phạt mở rộng mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dường như không thể khiến Bình Nhưỡng phải “đầu hàng” và Trung Quốc dường như cũng không phải muốn lật đổ Kim Jong Un.
“Tất nhiên, Trung Quốc nhận ra rằng Kim Jong Un đã trở thành vấn đề. Nhưng hầu hết các chuyên gia phân tích phương Tây tin rằng Bắc Kinh không muốn thay đổi chế độ ở Triều Tiên, ít nhất là thời điểm bây giờ. Ý tưởng làm cho chính quyền Triều Tiên phải “đầu hàng” thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt là không thực tế” - ông kết luận.