Thế nào là vaccine dịch vụ và dịch vụ tiêm vaccine?

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, trong các đơt dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam gần đây đều phải tìm hiểu và phổ biến các quy định của Việt Nam liên quan đến phòng, chống COVID-19 cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ. 

PLO trân trọng giới thiệu bài phổ biến các quy định mà ông Thành mới công khai để góp phần minh định những ý kiến liên quan đến vaccine và tiêm vaccine

1.Vaccine

Gồm vaccine nhà nước (miễn phí) và vaccine dịch vụ (không miễn phí, phải trả tiền để mua nếu muốn tiêm). Ví dụ các loại vaccine được dùng trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngừa 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em là vaccine nhà nước và đều miễn phí. Còn trên thị trường cũng có các loại vaccine khác ngừa các loại bệnh này nhưng người dân phải bỏ tiền mua để tiêm cho con mình. Đây là vaccine dịch vụ.

vaccine nhà nước và vaccine dịch vụ song song tồn tại giúp người dân có nhiều lựa chọn hơn là chỉ 1 trong hai loại. Ai không muốn vaccine nhà nước thì dùng vaccine dịch vụ, ai không tiếp cận được vaccine dịch vụ thì vẫn có vaccine nhà nước để sài. Không ai bị bỏ lại phía sau.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Asean

Hiện nay chưa có vaccine dịch vụ ngừa COVID-19. Tất cả các loại vaccine COVID đang lưu hành tại Việt Nam hiện nay (trừ 5 triệu liều Sinopharm do Vạn Thịnh Phát mua và một số lượng nhỏ vaccine do một số cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài nhập về) đều là của nhà nước. Do đó đều miễn phí với tất cả những người đã và sẽ được tiêm.

vaccine dịch vụ sẽ có khi doanh nghiệp tự tìm được nguồn cung vaccine ở nước ngoài và bỏ tiền ra mua nhập về Việt Nam, hoặc mua từ nhà sản xuất trong nước đã được cấp phép. Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương khuyến khích mạnh mẽ và hỗ trợ tối đa việc này. Ví dụ Vạn Thịnh Phát nhập 5 triệu liều Sinopharm nói trên, nếu không tặng cho TP HCM hoặc nếu TP HCM không nhận, công ty này hoàn toàn có quyền bán số vaccine này cho các đơn vị khác. Các đơn vị này có thể dùng vaccine đó để tiêm cho nhân viên của mình hoặc nếu là “các đơn vị đủ điều kiện” thì có thể “tổ chức tiêm chủng tự nguyện cho tập thể, cá nhân có yêu cầu và tự trả chi phí tiêm chủng,” theo điều 4.7 Nghị quyết 21/2021 của Chính phủ.

Như vậy, nếu bệnh viện Pháp Việt tự lo được nguồn vaccine thì không cần phải xin phép để cung cấp vaccine dịch vụ cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Việc này Chính phủ đã cho phép từ lâu trong Nghị quyết 21 nói trên.

2. Dịch vụ tiêm vaccine

Không được nhầm lẫn với “tiêm dịch vụ”. Dịch vụ tiêm (DVT) chỉ bao gồm công tiêm và các chi phí liên quan đến việc tổ chức tiêm, chứ không bao gồm tiền vaccine. Bệnh viện và nhiều cơ sở khác có thể cung cấp dịch vụ tiêm có thu phí cho những khách hàng mang vaccine đến thuê các cơ sở này tiêm. Giấy phép của BV đương nhiên bao gồm cung cấp dịch vụ tiêm vaccine nên BV FV không phải xin phép khi cung cấp dịch vụ tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Ví dụ Vạn Thịnh Phát có thể đem số vaccine mình nhập về và thuê Bệnh viện FV tiêm cho nhân viên của mình hoặc bất kỳ ai có nhu cầu. Như vậy, bệnh viện FV có thể cung cấp DVT với số vaccine này mà không cần phải xin phép BYT thêm nữa.

Tiêm vaccine đợt 5 tại TP HCM. Ảnh: MINH TÂM

3. Tiêm dịch vụ

Những người muốn tiêm dịch vụ sẽ trả tiền cho đồng thời vaccine dịch vụ và dịch vụ tiêm. Thiếu 1 trong 2 thứ trên thì không thể thực hiện được tiêm dịch vụ.

Do hiện nay chưa có vaccine dịch vụ nên chưa thực hiện được tiêm dịch vụ. Việc này không liên quan gì đến cấp phép hay không.

4. Huy động hệ thống bệnh viện tư nhân tiêm vaccine ngừa COVID

Đó là việc nhà nước cấp vaccine và thuê các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiêm vaccine này cho các công dân Việt Nam. Người tiêm sẽ không phải trả một chi phí nào giống như nếu họ tiêm ở bệnh viện công. Từ góc độ người đi tiêm hiện nay, khi tiêm vaccine ngừa COVID của nhà nước, họ không cần phân biệt là tiêm ở bệnh viện tư hay công, vì đều miễn phí như nhau.

Nhà nước sẽ thanh toán chi phí thuê dịch vụ tiêm của các bệnh viện, cơ sở y tế. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ chưa ban ban hành được định mức chi phí thuê dịch vụ tiêm này, có lẽ do Bộ Y tế chưa trình. Vì thế bệnh viện tư chưa được cấp vaccine ngừa COVID để tiêm cho người dân.

Có thể có bệnh viện tư xin Bộ Y tế cấp vaccine cho mình để tiêm cho người dân và tự thu phí dịch vụ tiêm, không cần nhà nước phải chi trả cho mình khoản này nữa. Việc này bị hiểu nhầm là xin Bộ Y tế cho phép “tiêm dịch vụ”, vốn là điều không thể hiện nay do chưa có vaccine dịch vụ (xem phần 3 ở trên).

Tại sao chưa có định mức chi cho thuê dịch vụ tiêm mà các bệnh viện công lại đang triển khai tiêm rồi?

Đó có thể là do (1) chi phí này được tính vào chi phí thường xuyên của các bệnh viện công, hoặc (2) chi phí chống dịch theo quy định chi trả chế độ đặc thù phòng, chống dịch tại Nghị quyết số 16/2021 của Chính phủ (không quy định rõ mục tiêm vaccine), hoặc (3) BV công tự ứng trước và sẽ quyết toán khi Chính phủ ban hành định mức chi cho công tác tiêm chủng. Ngân sách cho công tác này đã được lên kế hoạch đầy đủ, tiền đã có. Vấn đề chỉ là chờ Chính phủ ban hành định mức chi.

Phòng khám Ngọc Minh (TP HCM) tham gia tiêm vaccine cho nhân dân theo sự điều động và phân công của Sở Y tế TP HCM. Ảnh: CAO XUÂN MINH

Cũng có những bệnh viện tư sẵn sàng hành xử như bệnh viện công, chưa đòi hoặc không đòi nhà nước chi trả dịch vụ tiêm, chỉ cần Bộ Y tế cấp vaccine cho họ và đưa cho họ danh sách đối tượng cần tiêm là các bệnh viện này sẽ tổ chức tiêm luôn, không thu bất kỳ khoản tiền nào từ người tiêm. Bộ Y tế cũng chưa phản hồi đề nghị này, có lẽ do vaccine hiện chưa nhiều, chưa cần huy động bệnh viện tư.

Nhưng chính quyền TP HCM đã kêu gọi các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tham gia tiêm số vaccine được Bộ Y tế phân cho TP. Vấn đề chi phí dịch vụ tiêm không thấy nói, nhưng đó là chuyện giữa TP và các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân này và nhiều khả năng là hậu xét. Còn bây giờ bất cứ ai ở TP HCM đi tiêm đều không phải trả tiền, dù ở bệnh viện công hay tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm