Tuy nhiên, nhìn lại thể thức tổ chức thi đấu của giải vô địch bóng đá nữ quốc gia vừa qua là không ổn. Nó làm cho nhiều đội đứng trước rủi ro cao chỉ trong một vài trận hoặc chỉ cần... thiếu may mắn là xong cả một mùa giải phấn đấu.
Theo đó, thể thức giải nữ thi đấu theo hai giai đoạn. Tám đội tập trung đá vòng tròn lượt đi tại TP.HCM và lượt về chơi ở Hà Nam, tức mỗi đội đá bảy trận mỗi lượt. Sau đó, dựa trên tổng điểm số chung cuộc của hai lượt đi và về chọn bốn đội có điểm số cao nhất đá bán kết, đội đầu bảng gặp đội hạng tư, đội thứ nhì gặp đội thứ ba. Hai đội thắng vào chung kết tranh ngôi vô địch.
Cách tổ chức này khiến nhiều đội tính toán chơi cầm chừng để giữ phong độ, bảo toàn lực lượng và chỉ cần duy trì tốp 4. Sau đó vào bán kết, chung kết, họ mới bung sức đá hết mình. Các đội có thực lực mạnh như PP. Hà Nam, Hà Nội I và TP.HCM I đều có thể thực hiện điều này dễ dàng.
Có thể do bóng đá nữ ít đội nên ban tổ chức soạn thể thức thi đấu kiểu này nhằm giúp họ chơi nhiều trận hơn, dù biết có nhiều sự bất hợp lý. Làng bóng thế giới rất cấm kỵ kiểu thi đấu như vậy lẫn các hình thức tương tự giải nữ quốc gia của bóng đá Việt Nam vừa qua. Nghĩa là nếu đã chơi vòng tròn hai lượt đi-về thì căn cứ trên điểm số chọn ra nhà vô địch như V-League.
Ví như tại SEA Games 29 vừa qua, bóng đá nữ chỉ có năm đội tham dự. Lúc đầu chủ nhà Malaysia công bố thể thức thi đấu vòng tròn tính điểm, rồi tiếp tục chọn đội nhất và nhì tranh ngôi vô địch, hạng ba và hạng tư tranh HCĐ. Tuy nhiên, sau đó Tổng Thư ký AFF, ông Hamidin, đã bác bỏ thể thức không sòng phẳng này mà chỉ đá vòng tròn chọn đội vô địch. Và đội tuyển nữ của Việt Nam lên ngôi khi hơn hiệu số phụ Thái Lan.
Ở giải quốc nội, giả sử TP.HCM I vô địch lượt đi, vô địch lượt về trong đó có kỷ lục 14 trận toàn thắng và thủ môn Kiều Chinh không để thủng lưới chín trận mà thất bại ở bán kết (hay chung kết) sẽ rất tức tưởi.