Theo Bộ Y tế, hiện nay tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện các chủng virus SARS-CoV-2 mới có khả năng lây nhiễm nhanh trên diện rộng với số lượng F1 lớn, gây quá tải các cơ sở cách ly y tế tập trung.
Nhằm chủ động phòng chống dịch COVID-19 và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly y tế tập trung, ngày 27-6, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn điều kiện cách ly y tế tại nhà phòng chống dịch COVID-19 cho các đối tượng thuộc diện F1 và đề nghị UBND TP.HCM xem xét, áp dụng thí điểm.
TP.HCM đang cách ly tập trung hơn 11.000 người Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, TP hiện đang điều trị cho hơn 2.800 bệnh nhân dương tính mới và thực hiện cách ly cho hơn 39.000 người, trong đó có hơn 11.000 người đang cách ly tập trung. TP đang tiếp tục mở rộng năng suất các khu cách ly tập trung tại các quận, huyện và TP, 27.952 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. |
Cách ly tại nhà tạo tâm lý thoải mái
Trước đó, tại buổi cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng bên cạnh việc xem xét các điều kiện và giám sát sự tuân thủ của người cách ly tại nhà, việc cách ly tại nhà sẽ giúp tâm lý người bị cách ly nhẹ nhàng hơn vì vẫn được ở chung với người thân. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đỡ phải chuẩn bị cơ sở vật chất để cách ly khi số F1 tăng lên.
Chuyên gia dịch tễ học, BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), đồng tình việc xem xét cho cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM. Theo BS Khanh, với sự gia tăng số lượng F1 trên địa bàn, biến chủng virus lây lan nhanh, việc cho cách ly tập trung không đảm bảo không gian, phải sử dụng nhà vệ sinh chung sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Mặt khác, khi cách ly tại nhà, nếu người nhà ý thức được F1 có nguy cơ mắc bệnh cao thì họ cũng sẽ cẩn thận và hợp tác hơn.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, khi áp dụng thí điểm cách ly tại nhà, nhân viên y tế có thể phải gánh vác nhiều việc hơn như phải đến tận nhà lấy mẫu xét nghiệm PCR định kỳ như trong khu cách ly. “Nên chăng, có thể hướng dẫn cho người cách ly tự test nhanh như đã hướng dẫn cho Bắc Ninh, Bắc Giang, sau khi kết thúc cách ly thì lấy mẫu xét nghiệm khẳng định PCR để đảm bảo” - BS Khanh nói.
Lực lượng y tế lấy mẫu cho người dân tại điểm cách ly y tế tập trung quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
BS Khanh cũng góp ý: Mới đây Bộ Y tế đã thí điểm cho người nhập cảnh tại cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh đã chích ngừa đủ hai mũi vaccine được rút ngắn thời gian cách ly tập trung còn bảy ngày thì với những trường hợp F1 tại TP.HCM, đã tiêm ngừa đủ, có thể xem xét cho họ cách ly tại nhà.
Cần sự giám sát chặt của chính quyền
theo một chuyên gia y tế khác, đối với những người có con nhỏ hoặc em bé, người lớn tuổi thuộc diện F1, việc cho cách ly tại nhà sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi họ không phải thay đổi môi trường sống.
Theo vị chuyên gia này, để làm tốt được việc cho cách ly F1 tại nhà, ngoài theo dõi sức khỏe của lực lượng y tế, cần sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của chính quyền.
Ngoài ra, nhân viên y tế phải chuẩn bị tinh thần làm nhiều việc hơn khi theo dõi sức khỏe cho F1 tại nhà. Nếu như ở trong khu cách ly, rác thải được thu gom xử lý theo quy định hoặc lấy mẫu xét nghiệm chỉ diễn ra trong khu cách ly thì khi thực hiện cách ly tại nhà, nhân viên y tế phải đến từng nhà thu gom rác, phải di chuyển nhiều nhà để lấy mẫu xét nghiệm F1, đến nhà mới phải thay trang phục phòng hộ...
Trước ý kiến về việc hướng dẫn cách ly chỉ áp dụng với những người có nhà phố, phòng riêng biệt trong khi ở TP.HCM, người dân sống nhiều ở chung cư, vị chuyên gia đồng tình. Chuyên gia này lý giải chung cư có nhiều không gian chung như cầu thang, dễ vấp phải phản ứng của người dân xung quanh, do đó việc cách ly tại nhà vẫn nên khuyến khích ở nhà độc lập là tốt nhất.•
Thủ tướng: Xem xét thí điểm cách ly tại nhà với F1 Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Đồng Nai. Ảnh: plo.vn Chiều 27-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về công tác phòng chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sáu tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường kiến nghị với Chính phủ ưu tiên cho Đồng Nai khi có vaccine COVID-19 vì tỉnh có đến 1,2 triệu công nhân với 32 khu công nghiệp (KCN), nguy cơ lây lan dịch bệnh từ các địa phương lân cận rất cao. Tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế giao Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ Sở Y tế thẩm định thêm bốn phòng xét nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm sàng lọc và khẳng định virus SARS-CoV-2 để đáp ứng yêu cầu khi dịch bùng phát. Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong sáu tháng đầu năm 2021, trong đó có công tác phòng chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tỉnh còn một số hạn chế như tăng trưởng kinh tế chưa đạt so với dự kiến, giải ngân đầu tư công còn thấp, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn dự báo đang có chiều hướng phức tạp. “Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tỉnh Đồng Nai cần chủ động tấn công bằng việc xét nghiệm thần tốc, cách ly nhanh, điều trị tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình. Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt quan tâm công tác phòng dịch trong doanh nghiệp, KCN, dứt khoát không để dịch bệnh lây lan vào KCN, không để đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu” - Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý cho lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Cũng theo Thủ tướng, dựa vào tình hình thực tế, tỉnh có thể triển khai các biện pháp khống chế dịch bằng cách phong tỏa hẹp, giãn cách rộng. Khi đã phong tỏa phải tiến hành xét nghiệm thần tốc bằng kháng nguyên nhanh, sớm phát hiện ca nhiễm bệnh để cách ly, đưa ra khỏi nhà máy, cộng đồng. Thực hiện thí điểm cách ly tại nhà đối với các F1, kiểm soát, quản lý chặt để hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung khi phải cách ly nhiều người cùng lúc. VŨ HỘI |