Năm 2023, các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và lên kế hoạch tuyển sinh từ rất sớm. Vì lẽ đó, dù học kỳ 2 của năm học 2022-2023 chưa kết thúc nhưng đa số học sinh lớp 12 cũng đã ứng tuyển cùng lúc nhiều ngành, nhiều trường để tăng cơ hội vào ĐH.
Đăng ký cùng lúc cả chục trường
Vừa đăng ký xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của ĐH Quốc gia TP.HCM, em Bùi Minh Trung, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết em mong muốn học quản trị kinh doanh hoặc marketing. Vì vậy, em chọn bảy nguyện vọng vào bốn trường ĐH khác nhau, trong đó em ưu tiên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Trung cho hay trước khi dự thi năng lực, em đã đăng ký xét tuyển bằng học bạ vào bốn trường khác là ba trường tư và một trường công, đều về những ngành học em thích.
“Trường nào có ngành em thích em đều đăng ký hết vì học lực của em chỉ ở mức khá nên không chắc chắn được trường nào cả. Em tốn hơn 500.000 đồng tiền xét tuyển rồi vì nhiều nguyện vọng lắm. Không chỉ em mà em nghĩ bạn nào bây giờ cũng tranh thủ đăng ký nhiều trường vì sợ chờ thi tốt nghiệp xong sẽ khó hơn” - Trung cho hay.
Tương tự, mặc dù ở địa bàn khá xa khi ở tỉnh Bình Phước nhưng em Hồ Thúy Nga (Trường THPT Lộc Ninh) cũng cho hay em và hầu như các bạn khối 12 ở trường em đều vừa thi để xét tuyển bằng điểm ĐGNL lẫn học bạ vào các trường ĐH.
Riêng Thúy Nga, em đã xét học bạ vào các trường ĐH tư ở TP.HCM vì nhiều trường không cần điểm học kỳ 2, trong đó em muốn vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Còn điểm thi ĐGNL em xét vào các trường ĐH công lập nhưng nguyện vọng ưu tiên của em là ở Trường ĐH KHXH&NV.
Thí sinh đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ảnh: NGỌC PHƯƠNG |
Em Gia Hiếu, học sinh lớp 12 Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), chia sẻ: “Em chỉ mong vào được ngành mình thích, nếu là trường hot mình thích nữa thì tốt, có cách nào xét tuyển em cũng đăng ký. Dù sao nếu biết trúng tuyển sớm cũng yên tâm hơn, không áp lực phải thi tốt nghiệp cho cao điểm nữa”.
Được biết tại TP.HCM, năm nay ĐH Quốc gia TP.HCM là cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng sớm nhất và đã thu hút hơn 88.000 thí sinh (TS) dự thi để xét tuyển vào hơn 90 trường ĐH-CĐ.
Qua thống kê, ở các trường chuyên, trường tốp giỏi năm nay có số TS dự thi cao, nhiều trường ở TP.HCM đạt tỉ lệ trên 90% như THPT Bùi Thị Xuân, THPT Gia Định, THPT Nguyễn Chí Thanh…
“Chăm sóc” tốt hơn cho thí sinh trúng tuyển sớm
Năm nay, bên cạnh việc chờ kỳ thi tốt nghiệp THPT, đa số các trường ĐH đều lên kế hoạch xét tuyển từ rất sớm ở nhiều phương thức như xét học bạ, xét điểm thi ĐGNL, sử dụng chứng chỉ quốc tế, ưu tiên xét tuyển…
Ngoài chỉ tiêu khá lớn, các phương thức xét tuyển sớm thường không áp lực nhiều về thi cử hay tốn thời gian, công sức nên thu hút nhiều sự quan tâm từ phụ huynh, TS.
Đơn cử, chỉ sau gần 1,5 tháng nhận hồ sơ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã nhận được gần 30.000 hồ sơ xét tuyển học bạ. Điều kiện là những TS có tổng điểm năm học kỳ theo tổ hợp ba môn, mỗi môn tối thiểu 5.0 điểm.
Qua thống kê, trong 44 ngành, những ngành thu hút TS quan tâm đăng ký nhất vẫn là các ngành khối công nghệ như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử…
Còn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ThS Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu trường, cho biết năm nay trường dành đến 53% trong gần 10.000 chỉ tiêu của trường cho xét học bạ.
Theo ThS Phương, sau hơn ba tháng, trường đã nhận được hơn 3.000 hồ sơ đăng ký của TS cả nước vào 59 ngành đào tạo ở trường.
Đáng chú ý, không chỉ nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ đầu tháng 2 đến nay, Trường ĐH Văn Lang là một trong ít trường đầu tiên thực hiện công bố điểm trúng tuyển sớm cho phương thức xét học bạ đợt 1 này.
Theo đó, mức điểm chuẩn của 61 ngành dao động từ 18 đến 24 điểm. Trong đó, ngành quan hệ công chúng và ngành truyền thông đa phương tiện có điểm chuẩn là 20 điểm, ngành marketing là 19 điểm. Các ngành khối sức khỏe từ 19,5 đến 24 điểm.
Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường, ở đợt 1 này trường nhận được khoảng 25.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, số lượng này tương tự năm trước.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng trường đưa ra số trúng tuyển sớm vì tỉ lệ hồ sơ ảo thường rất cao nên trường tiếp tục xét tuyển đợt 2. Bên cạnh đó, để “giữ chân” TS đã trúng tuyển, thời gian này trường sẽ thực hiện chăm sóc tốt hơn cho các em như thường xuyên liên lạc để gửi và hỗ trợ thông tin, tạo kênh phản hồi tốt cho các em…
Công bố kết quả trước 17 giờ ngày 22-8
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh ĐH; CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2023, các cơ sở đào tạo được xét tuyển sớm và cập nhật danh sách TS đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức (xét học bạ, tuyển thẳng, xét điểm thi ĐGNL…) lên hệ thống trước 17 giờ ngày 8-7-2023.
Từ ngày 10 đến 17 giờ ngày 30-7, TS sẽ bắt đầu đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. TS không bị giới hạn số nguyện vọng và nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức ưu tiên giảm dần.
Kết quả trúng tuyển đợt 1 sẽ được công bố trước 17 giờ ngày 22-8 và xác nhận nhập học trước 17 giờ ngày 6-9.
Thí sinh cân nhắc thật kỹ để đặt thứ tự nguyện vọng
So với năm trước, TS quan tâm và hào hứng với xét tuyển sớm nhiều hơn vì mong muốn vào được ngành yêu thích.
Tuy nhiên, để đảm bảo cơ hội trúng tuyển, TS cần cân nhắc thật kỹ để đặt thứ tự nguyện vọng thông minh nhất trên cơ sở năng lực, yêu thích, mục tiêu... khi đến thời điểm đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
ThS NGUYỄN TRẦN NGỌC PHƯƠNG, Giám đốc Trung tâm Marketing và phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM