Khi biết thông tin Bộ GD&ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014, nhiều giáo viên, nhà trường tỏ ra rất đồng tình và vui mừng.
Giảm áp lực học, thi
“Phải trải qua hai kỳ thi liên tiếp khiến chúng em cảm thấy rất áp lực. Bỏ bớt hai môn thi tốt nghiệp làm em cảm thấy thoải mái hơn. Hơn nữa, việc xét tốt nghiệp dựa trên điểm học bạ sẽ tránh học sinh (HS) học tủ, học lệch và chú trọng tất cả các môn trong quá trình học” - Lê Lưu Kỳ Hà, HS lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình, cho biết.
Cô Nguyễn Thị Phương Nam, giáo viên phụ trách môn sinh học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho hay đây là tin vui cho cả giáo viên lẫn HS. Bình thường cuối tháng 3 mới công bố môn thi với sáu môn khiến HS học rất vất vả, chưa kể ngay từ đầu năm học phải chạy ôn bài rất nhiều. Phụ huynh lo còn giáo viên cũng mệt mỏi. Vì thế, cách này sẽ giúp HS thoải mái hơn, phát huy được đúng năng khiếu của mình, không bị lãng phí sức lực và có thể dồn sức hiệu quả cho kỳ thi ĐH.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chia sẻ phương án này đúng với nguyện vọng và dự đoán của cô trò trong trường, nhất là việc Bộ thay đổi môn tiếng Anh từ môn khuyến khích cộng thêm điểm thành môn tự chọn. Đây cũng là mong mỏi không chỉ của HS mà còn cả phụ huynh vì ngày nay phụ huynh đầu tư tiếng Anh cho em rất nhiều, nhất là ở thành thị. Với cách này, nhà trường sẽ tận dụng lựa chọn và thời gian ôn thi tốt nghiệp để tập trung cho các em ôn thi cả ĐH, tạo hiệu quả cho hai kỳ thi.
Học sinh sẽ được giảm áp lực khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn bốn môn. Trong ảnh: Một thí sinh phấn khích sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Trường Lê Hồng Phong, TP.HCM. Ảnh: HTD
“Một cái hay nữa từ cách thi này là không làm ảnh hưởng đến cách dạy học của giáo viên vì theo hướng đi của Bộ là dạy cho HS tư duy chứ không phải thuộc lòng. Hiện tại, hướng ôn tập của trường cũng đã có, vẫn đảm bảo nội dung học và thi học kỳ 2 của HS một cách toàn diện, các em sẽ không xem thường môn không chọn thi được” - cô Cúc phấn khởi nói.
Băn khoăn về cách dạy và cách thi
Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cho rằng số lượng bốn môn khá nhẹ nhàng và có lợi theo sở trường của HS. Tuy nhiên, do đây là năm đầu triển khai thi khác so với mọi năm nên phụ huynh, HS và cả giáo viên có tâm lý hơi lo lắng. “Nỗi băn khoăn lớn nhất của chúng tôi là việc xét điểm tốt nghiệp còn dựa trên kết quả học bạ năm lớp 12 sẽ như thế nào. Ngoài ra, sau khi hoàn tất chương trình, các trường phải sắp xếp lại thời khóa biểu ôn tập ở các môn cho phù hợp với HS”.
Cô Nguyễn Thị Thiên Minh, nguyên giáo viên dạy môn lịch sử Trường THPT Lê Hồng Phong, cũng lo lắng đối với những môn tự chọn, HS sẽ phân hóa nhiều lựa chọn khác nhau, vậy thì không biết việc giảng dạy của giáo viên các môn xã hội sẽ như thế nào, nội dung dạy sẽ ra sao để phù hợp với từng lựa chọn của các em.
HUY HÀ - PHẠM ANH - HOÀNG LAN
Không có điểm sàn như mọi năm Về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, các trường ĐH-CĐ có đề án tuyển sinh riêng đáp ứng các điều kiện quy định tại Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy được tự chủ tuyển sinh, đồng thời Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ chung. Các trường tuyển sinh riêng có thể kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh. “Tuy nhiên, năm nay Bộ GD&ĐT sẽ không đưa ra điểm sàn như những năm trước đây. Thay vào đó, một hội đồng tư vấn sẽ giúp Bộ GD&ĐT xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu chí đơn nhất là điểm sàn” - ông Trinh nói. Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sớm đưa ra phương án dự thảo phương án thi ĐH-CĐ để xin ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục ĐH, phổ thông và toàn xã hội để công bố trước khi khai giảng năm học 2014-2015. Hai môn bắt buộc: Toán, văn Chiều 24-2, Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin chính thức về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy năm 2014. PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT HS sẽ thi bốn môn. Trong đó, hai môn bắt buộc là toán và văn, hai môn còn lại HS được tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử và ngoại ngữ. Điểm xét tốt nghiệp sẽ là điểm trung bình của bốn môn thi và điểm trung bình kết quả học tập lớp 12. Theo đó, cách ra đề về căn bản vẫn giữ nguyên. Toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý sẽ thi viết tự luận, hóa học, sinh học, vật lý thi trắc nghiệm. Riêng môn ngoại ngữ để hướng tới đánh giá ngày càng hoàn thiện các kỹ năng ngoại ngữ của HS năm nay sẽ có phần viết tự luận cùng trắc nghiệm. Thời gian thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ vẫn 60 phút. Tuy nhiên, phần viết tự luận chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong bài thi thì ban ra đề sẽ thảo luận thêm. Môn ngoại ngữ sẽ tiến tới thi bắt buộc nhưng linh hoạt, toàn diện hơn, đánh giá đầy đủ các kỹ năng của người học. Về cách thức tổ chức thi, sẽ tổ chức theo nguyên tắc mỗi HS có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi. Phòng thi sẽ xếp theo môn. Trong mỗi ca thi có duy nhất một ca thi, vì vậy không có sự trùng lặp thí sinh chọn hai môn có thời điểm thi trùng nhau. “Chúng tôi sắp xếp môn địa lý và hóa học, lịch sử và vật lý cùng buổi thi là có ý đồ. Bởi không nhiều người chọn hai môn thi như vậy trong cùng một buổi thi. Nếu giả sử thí sinh có chọn hai môn thì các em cũng có 75 phút để chuyển đổi” - ông Trinh cho biết. |