Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đứng trước bờ vực vì diễn biến biểu tình đẫm máu ở biên giới Dải Gaza-Israel đầu tuần này, làm ít nhất 62 người Palestine chết, hơn 2.700 người bị thương.
Triệu hồi, triệu tập, trục xuất đại sứ
Trong khi người Palestine biểu tình ở biên giới Dải Gaza-Israel thì dân Thổ Nhĩ Kỳ kéo đến lãnh sự quán Israel ở TP Istanbul phản đối Israel sử dụng bạo lực. Ngày 15-5, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại sứ của mình ở Israel và cả ở Mỹ - nước vừa khánh thành đại sứ quán ở Jerusalem ngày 14-5, đồng thời trục xuất đại sứ Israel về nước. Ngày 16-5, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trục xuất tổng lãnh sự Israel ở Istanbul.
Bộ Ngoại giao Israel triệu tập phó đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ, khiển trách cách Thổ Nhĩ Kỳ đối xử với đại sứ của mình. Israel cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cố tình sỉ nhục Đại sứ Israel Eitan Naeh khi đưa truyền thông đến chứng kiến, ghi hình cảnh ông Naeh bị lục soát an ninh và buộc phải tháo giày, áo khoác ở sân bay quốc tế Ataturk ở Istanbul. Phó Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Israel Umut Deniz cũng bị đáp trả, khi ông vừa đến trụ sở Bộ Ngoại giao Israel chiều 16-5 cũng bị nhân viên an ninh kiểm tra hộ chiếu, các tài liệu mang theo, lục soát an ninh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc việc Israel sử dụng bạo lực với người Palestine là diệt chủng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đáp trả dữ dội rằng ông Erdogan, người có bàn tay nhuốm máu vô số người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, không có quyền rao giảng đạo đức quân sự cho Israel.
Với vai trò chủ tịch, Thổ Nhĩ Kỳ đang sắp xếp họp khẩn Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) về diễn biến mới ở Dải Gaza vào ngày 18-5. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có kế hoạch biểu tình lớn phản đối Israel vào cuối tuần này.
Dân Thổ Nhĩ Kỳ xuống đường tại Istanbul ngày 15-5 cùng biểu ngữ “Người Palestine sẽ thắng”. Ảnh: GETTY IMAGES
Rạn nứt sau chỉ hai năm làm lành
Năm 2010, đặc công Israel tấn công một đội tàu Thổ Nhĩ Kỳ chở hàng đến Dải Gaza vốn bị Israel phong tỏa làm 10 công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Mãi đến năm 2016 hai bên mới nối lại quan hệ sau khi Israel đồng ý bồi thường 20 triệu USD cho 10 nạn nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn xa hơn, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel chẳng những từng có quan hệ rất tốt mà còn là đồng minh. Thổ Nhĩ Kỳ là nước Hồi giáo đầu tiên công nhận Israel năm 1949, một năm sau khi nhà nước Israel thành lập. Quan hệ hai bên nồng ấm trong nhiều thập niên.
Thập niên 1990 và những năm đầu thập niên 2000 là đỉnh điểm tốt đẹp trong quan hệ với bước phát triển lớn về hợp tác quân sự và kinh tế. Hai nước thường xuyên có các cuộc tập trận, thậm chí Israel còn có dự án chi 1 tỉ USD nâng cấp 170 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1999, người Kurd ở Đức còn kéo nhau tấn công Đại sứ quán Israel ở Berlin vì cho rằng Israel giúp Thổ Nhĩ Kỳ bắt lãnh đạo đảng phiến loạn Công nhân người Kurd Abdullah Ocalan.
Quan hệ hai nước bắt đầu xấu đi sau khi ông Erdogan lên làm tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ năm 2003 và thường xuyên chỉ trích Israel xung đột với Hamas - nhóm vũ trang kiểm soát Dải Gaza từ năm 2007. Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của ông Erdogan lâu nay vẫn ủng hộ Hamas, cho rằng đây là một tổ chức chính trị hợp pháp khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Palestine năm 2006 dù không được công nhận.
“Hamas không phải là khủng bố” - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bảo vệ Hamas trước cáo buộc của Israel. |
Hai bên đều thiệt
Theo Jerusalem Post, diễn biến căng thẳng mới này nếu tiếp tục sẽ càng khiến quan hệ hai bên thêm khó khăn. Theo Haaretz, quan hệ thương mại song phương sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ thiệt thòi hơn khi trong 4,3 tỉ USD tổng giao dịch thương mại hai bên năm 2017 thì lượng xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Israel tới 2,9 tỉ USD. Theo Jerusalem Post, không loại trừ khả năng nếu Thổ Nhĩ Kỳ làm quá sẽ kích thích Israel nhúng tay vào các lo ngại lâu nay của Thổ Nhĩ Kỳ như vấn đề người Kurd cũng như các vấn đề khác.
Israel cũng không phải không bị ảnh hưởng. Căng thẳng với Israel có thể là một chất xúc tác nữa kéo Thổ Nhĩ Kỳ gần hơn với Iran - kẻ thù chính của Israel trong khu vực. Thời gian qua quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã gần gũi hơn sau khi hai nước này và Nga bắt tay dàn xếp cục diện nội chiến Syria. Trong ngày 16-5, ông Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm cùng lên án Israel.
Israel ngày 16-5 thực hiện một loạt đợt không kích nhắm vào các cơ sở quân sự của nhóm vũ trang Hamas ở phía Bắc Dải Gaza. Bốn cơ sở hạ tầng nằm trong một khu phức hợp quân sự của Hamas đã trúng không kích. Riêng một cơ sở sản xuất vũ khí của Hamas hứng tới ba đợt không kích. Chưa có báo cáo thương vong. Theo Israel, động thái này nhằm đáp trả việc TP Sderot ở Nam Israel hứng hàng loạt đợt nã súng trước đó cùng ngày mà Israel cho Hamas là thủ phạm. Không có thông tin về thương vong nhưng ít nhất sáu ngôi nhà tại TP Sderot đã trúng đạn. Liên quan vụ biểu tình đẫm máu của người Palestine tại biên giới Dải Gaza-Israel ngày 14-5, quân đội Israel cho biết đã xác định 24/62 người Palestine thiệt mạng là thành viên Hamas. |