Hiện nay, ngân hàng có được tự ý bán tài sản thế chấp tại ngân hàng khi người vay, người thế chấp không trả được khoản vay hay không? Hai bên có được thỏa thuận về việc xử lý tài sản thê chấp như cấn trừ nợ vay?
Trần Tuấn (quận Tân Bình,TP.HCM), Lan (maysunthuha_17896@yahoo.com)
Bà DƯƠNG THỊ THANH LAN, Phó phòng Bổ trợ-Sở Tư pháp TP.HCM, trả lời: Theo quy định của Bộ Luật dân sự năm 2005, trong hợp đồng thế chấp thì các bên có quyền thỏa thuận phương thức xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thỏa thuận. Do đó, các bên có quyền thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản thế chấp, kể cả phương thức bán tài sản thế chấp.
Tại Điều 59 Nghị định số 163 ngày 29-12-2006, các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận bao gồm:
- Bán tài sản bảo đảm;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ;
- Phương thức khác do các bên thỏa thuận.
Căn cứ theo quy định nêu trên, nếu bên thế chấp và bên nhận thế chấp có thỏa thuận về việc giao cho bên nhận thế chấp (ở đây là ngân hàng) được xử lý tài sản thế chấp bằng phương thức bán tài sản thế chấp thì ngân hàng được thực hiện và tuân theo quy định pháp luật về việc bán tài sản bảo đảm.
Theo Nghị định số 11 ngày 22-2-2012 của Chính phủ thì trước khi xử lý tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản phải thông báo bằng văn bản về việc xử lý tài sản bảo đảm cho các bên cùng nhận bảo đảm khác theo địa chỉ được bên bảo đảm cung cấp hoặc đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Như vậy, trong nội dung thỏa thuận về phương thức bán tài sản thế chấp khi xử lý tài sản bảo đảm, cần phải bảo đảm đúng theo tinh thần quy định trên.