Thói quen

Còn quán cà phê, quán rượu nhiều khi khách ngồi cả ngày, ít ra cũng vài ba giờ. Dù là quán loại nào, bình dân hay sang trọng, từ các thành phố lớn tới những thị trấn nhỏ khắp nước, nơi nào cũng có quán cà phê, quán nhậu! Khách cũng đủ hạng, từ người lao động tay chân tới trí thức, quan chức với đủ lý do ngồi quán. Hẹn hò bè bạn, đối tác làm ăn, bàn bạc công việc.

Suốt một thời gian dài sau thời kỳ đổi mới, người ta giao dịch, thương thảo, ký kết hợp đồng, thậm chí ký giấy phép tại... các quán nhậu, kể cả ở quán bia ôm ngày ấy cũng rất quen đến mức bình thường mà có lúc đã có câu nói cửa miệng “phi bia ôm bất thành việc lớn”. Nhưng may sao “cái thời của bia ôm” ấy cũng tự lụi tàn, cũng chẳng cần phải cấm đoán. Thay vào đó là thời kỳ Internet, Wi-Fi, nhiều người - nhất là giới trẻ - ngồi làm việc ở các quán cà phê. Một hình ảnh văn minh, hiện đại thật đáng yêu. Không kể đến chuyện nhậu nhẹt lê lết, bê tha, dzô dzô trăm phần trăm mà ta vẫn thường nghe thấy ở các quán nhậu bình dân thì ngồi quán là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Hình ảnh những người ngồi quán một mình, nhâm nhi ly cà phê ngó mông lung ra đường nhìn người xe ngược xuôi hay lim dim mắt đắm mình trong suy tưởng là hình ảnh đẹp trong văn hóa ẩm thực Việt.

Không chỉ ở trong nước, văn hóa ẩm thực Việt cũng xuất dương cùng với dòng người Việt đi định cư ở nước ngoài. Ở các vùng có đông bà con người Việt như khu Little Saigon, Santa Ana, Westminster, Orange County... hay San Jose, California hoặc Houston, Texas, Mỹ thì “văn hóa ngồi quán” cũng đậm chất Việt. Các quán cà phê Việt như Lily, Lee’s Sandwich, Coffee Factory hay Gypsy... là nơi gặp gỡ của những người Việt lớn tuổi - phần lớn đã hưu trí. Họ gặp nhau trò chuyện về đủ thứ chuyện trên đời nhưng chủ yếu là nói chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện quê hương qua cái nhìn của những người Việt xa quê.

Một sáng tháng 5, ngồi nhâm nhi ly cà phê tại một quán cà phê ở San Jose. Quán vắng khách. Tôi chợt thấy một cụ già râu tóc trắng như cước chống gậy bước vào quán, chọn một góc khuất, gọi cà phê nhưng mắt đăm đăm nhìn về phương trời xa. Linh cảm cho tôi biết cụ là người Việt. Tôi bước đến chào cụ làm quen. Linh cảm không lừa tôi, cụ gốc người Ninh Bình sang Mỹ từ năm 1975, năm cụ ngoài 50 tuổi. Nghĩa là năm nay cụ đã ngoài 90 tuổi nhưng dáng vẻ còn quắc thước, giọng nói chậm rãi nhưng trầm ấm, chắc nịch. Cụ bảo ngày trước ở Sài Gòn cụ chỉ là công chức loại trung trung, ở trong khu cư xá Chu Mạnh Trinh gần ngã tư Phú Nhuận, gần nhà nhạc sĩ Phạm Duy và nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và cũng trạc tuổi hai ông. Ông Côn đã mất từ năm 1978, Phạm Duy thì mới ra đi năm ngoái. Cụ bảo còn “thằng” Duyên Anh nữa, trước “nó” cũng ở trong cư xá với tôi, đến năm 1970, “nó” có sách best seller, trở nên giàu có, qua mua biệt thự bên đường Công Lý.

“Nó” nhỏ hơn tôi mười mấy tuổi nhưng cũng đã chết mười mấy năm rồi”.

Cụ thở dài nói tiếp: “Mình sống lâu quá, chỉ mong sau khi chết đi, con cháu cho mình về quê nằm với ông bà, cha mẹ nhưng không biết chúng nó có ra Ninh Bình tìm được mộ các cụ không nữa...”. Mặc dù biết đó là chuyện không đơn giản vì đã hơn nửa thế kỷ biển dâu nhưng tôi cũng thưa rằng thế nào các anh chị cũng thực hiện được ý nguyện của cụ.

Để không khí nhẹ bớt, tôi hỏi cụ bí quyết sống lâu, sống khỏe. Cụ bỗng tươi hẳn nét mặt: “Có gì đâu cậu, từ 60 năm nay sáng nào tôi cũng đi bộ từ nửa tiếng tới một tiếng, xong kiếm một quán cà phê ngồi nhâm nhi ly cà phê, đọc báo xong mới đi làm. Bây giờ mắt tôi yếu quá không còn đọc được. Nhưng tôi vẫn đi bộ và ngồi quán...”.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm