Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM nhân đầu năm mới 2021, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng: Dù còn đối mặt với không ít thách thức nhưng phải khẳng định TP.HCM luôn vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân. TP đã luôn nỗ lực, tìm cách vươn lên; chủ động đối phó với các thách thức để vượt qua chúng, giữ vững vị trí của mình trên bình diện phát triển chung của cả nước.
Tuy nhiên, để có thể so sánh với các TP lớn trong khu vực Đông Nam Á, TP.HCM cần phải tăng tốc hơn nữa trong thời gian tới.
Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của khu vực III, TP Thủ Đức. Ảnh: THANH TUYỀN
+ PGS-TS Trần Hoàng Ngân (ảnh): Với mục tiêu kinh tế - xã hội của TP.HCM trong giai đoạn tới thì đến năm 2025, TP phải là trung tâm đổi mới sáng tạo và đến năm 2030, TP sẽ có trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế, công nghiệp hiện đại. Đến năm 2045, TP là điểm đến hấp dẫn của toàn cầu và GDP bình quân đầu người là khoảng 37.000 USD.
TP.HCM là nơi đất hẹp người đông nhưng cũng là nơi hội tụ các văn hóa, tri thức. Do đó, TP phải tận dụng cho được nền kinh tế tri thức, chất xám của đội ngũ khoa học, tức là phải phát triển trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Do đó, TP tập trung vào các mũi nhọn hình thành nên các trung tâm, cụ thể là trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính, trung tâm mua sắm thương mại thế giới và hình thành nên viện nghiên cứu công nghệ tiên tiến.
Thực tế, TP.HCM đang có những nỗ lực đột phá trong việc đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo để ứng dụng trí tuệ nhân tạo, như thông qua các trụ phát triển - khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, công viên phần mềm… Tất cả điều này sẽ giúp TP.HCM tăng năng suất lao động nhiều hơn, bứt tốc và bắt kịp TP lớn trong khu vực và thế giới.
Như chúng ta biết, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đưa ra ba chương trình đột phá và một chương trình trọng điểm. Đó là đột phá về quản lý, hạ tầng; đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao và một chương trình trọng điểm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
TP cũng đã xây dựng ra 51 đề án xây dựng chương trình cụ thể để triển khai và đang bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
22% là tỉ lệ đóng góp của TP.HCM vào GDP cả nước. Hiện TP.HCM vẫn giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, là động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam. Điều quan trọng nhất, TP vẫn duy trì trên 26% tổng thu ngân sách của cả nước. Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là cần nhưng không phải là tất cả nên phải có sự chọn lọc, ưu tiên vốn nước ngoài có công nghệ cao, tiên tiến và ưu tiên cho những doanh nghiệp nước ngoài có kết nối với doanh nghiệp trong nước để chúng ta phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Đấy mới là trọng tâm của chúng ta. PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN |
. Nhìn vào ba vấn đề thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, theo ông, TP.HCM cần thay đổi những gì để lấy các trụ này làm động lực tăng trưởng cho tương lai?
+ Liên quan đến đột phá về thể chế, về quản lý nhà nước thì hiện nay TP chọn chủ đề năm 2021 là năm xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là hai vấn đề lớn mà TP nhận thấy phải tập trung trong năm nay để tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Vì hiểu được một đô thị đặc biệt như TP.HCM cần có một thể chế đặc biệt, do đó Quốc hội đã thông qua các nghị quyết quan trọng, như Nghị quyết 54 (thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM), Nghị quyết 131, Nghị quyết 1111 liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và xây dựng TP Thủ Đức, hướng đến giúp cho chính quyền đô thị của TP.HCM hoạt động hiệu quả hơn. Cùng đó là cải thiện được các chỉ số về năng lực cạnh tranh, chỉ số PAPI (Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam), PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) để nâng cao phục vụ người dân một cách tốt hơn.
Vì TP đi đầu trong lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực ngân sách thì cũng cần phải đi đầu trong phục vụ nhân dân. Do đó, TP hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, vì nhân dân. Để phục vụ nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn buộc TP phải chuyển đổi số để thực thi xã hội số, kinh tế số, chính quyền số.
Về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh thì TP không nằm trong năm địa phương dẫn đầu. Như vậy, TP phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải làm sao gắn trách nhiệm nêu gương người đứng đầu, gắn trách nhiệm đội ngũ viên chức của TP và phải đo lường, đánh giá được đội ngũ đó để phục vụ cho nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn.
Một điểm cần lưu ý, cơ cấu vốn đầu tư xã hội của TP khác với cơ cấu vốn đầu tư xã hội của cả nước. Về cơ cấu vốn đầu tư của cả nước thì vốn đầu tư công, khu vực nhà nước chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng với TP.HCM, vốn đầu tư công, vốn từ khu vực nhà nước chỉ chiếm 12%-13%, còn lại đến từ khu vực ngoài nhà nước, dân doanh, khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, nếu không cải thiện được môi trường đầu tư thì chúng ta làm sao huy động được nguồn lực này.
Nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn để bứt phá
. Về nguồn lực đầu tư cho TP.HCM tới đây, theo ông, cần phải có những điều chỉnh nào để TP phát triển bật lên mạnh hơn nữa, từ đó TP.HCM sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển đất nước?
+ Trong năm năm, giai đoạn 2016-2020, TP đã thu được 1,8 triệu tỉ đồng thì TP giữ lại 350.000 tỉ đồng và chuyển về trung ương hơn 1,4 triệu tỉ đồng để trung ương cân đối cho các địa phương khác cũng như phục vụ đầu tư.
Từ tỉ lệ được giữ lại nguồn thu phân chia là 33%, TP.HCM bây giờ chỉ còn được giữ lại 18%, nghĩa là nguồn thu giảm nên thiếu nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, dẫn đến hạ tầng liên kết vùng bị tắc. Cụ thể, các đường kết nối với vùng trọng điểm phía nam, tây, đông, bắc hiện bị nghẽn. Khi thiếu liên kết vùng sẽ rất khó giúp các vùng cùng phát triển và hỗ trợ nhau.
Theo nguyên tắc đầu tư, nơi nào đầu tư hiệu quả thì mình nên đầu tư. Cho nên tăng tỉ lệ đầu tư này lên cũng sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách của TP, thay vì dừng lại 1,8 triệu tỉ đồng có thể tạo nguồn thu lớn lên đến 2-3 triệu tỉ đồng. Nói cách khác, cứ để lại TP 1 đồng để tạo ra của cải nhiều hơn thì trung ương sẽ thu được 5 đồng. Như vậy nguồn thu chung của cả nước cũng sẽ được tăng lên.
Và một khi TP.HCM có sức bật mạnh mẽ thì sẽ lan tỏa đến các vùng kinh tế trọng điểm phía nam, giúp các địa phương như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh hay Bình Phước và các tỉnh ĐBSCL… tiếp tục tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế đi lên.
. Dưới góc nhìn chuyên gia, theo ông, TP.HCM cần tập trung giải quyết điểm nghẽn nào để cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của mình?
+ Điểm nghẽn đáng lo nhất là hạ tầng giao thông. TP phải xây dựng được hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng số về công nghệ thông tin, viễn thông để các doanh nghiệp có thể triển khai chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Và vẫn rất cần một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cơ chế ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Để có quỹ đất phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất thì phải làm tốt công tác quy hoạch và từ đó mới có đất sạch.
Một điểm nữa, phải đảm bảo tình hình an ninh trật tự xã hội, môi trường lành mạnh và đi liền với đó là dịch vụ y tế, giáo dục phải hết sức tốt và hiện đại. Khi tạo ra được môi trường thuận lợi như vậy sẽ thu hút được đầu tư trong và ngoài nước.
TP phải tập trung nỗ lực giải quyết hạ tầng giao thông, hạ tầng về chống ngập nước vì biến động khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Cùng đó, chúng ta phải đầu tư cho được tuyến đường sắt đô thị vì sẽ giải quyết được lượng xe gắn máy lưu hành nên giảm bớt ùn tắc.
Về thể chế, phải phân cấp, phân quyền cho TP nhiều hơn để tránh trường hợp đi lại nhiều vòng giữa các bộ, ngành, làm giảm tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh của các doanh nghiệp.
. Ông kỳ vọng TP.HCM sẽ có sức bật thế nào sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng?
+ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thể hiện một niềm tin cho sự khát vọng về một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó cũng là một khát vọng vươn lên nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Khát vọng này hoàn toàn có cơ sở.
Chúng ta cũng nhìn thấy niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước, hệ thống chính trị ngày càng tăng lên. Về kinh tế, người dân có niềm tin vững chắc vào đồng tiền Việt Nam, sự ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ở bình diện quốc tế, uy tín và vị thế Việt Nam ngày càng nổi bật.
Chúng ta có niềm tin vào sự phát triển đất nước trong tương lai, một khát vọng có cơ sở và trong đó TP.HCM là địa phương đầu tàu quan trọng để thực hiện, biến các khát vọng thành hiện thực. Do đó, trách nhiệm của TP ngày càng nặng nề hơn. Ngay lúc này đây và hơn bao giờ hết, TP.HCM phải tích cực triển khai các chương trình hành động cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển đã đặt ra.
. Xin cám ơn ông.
Tương lai, có thể TP.HCM sẽ có thêm nhiều TP mới . Việc thành lập TP Thủ Đức được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất mạnh cho TP.HCM. Ông nhìn nhận gì về triển vọng này? + PGS-TS Trần Hoàng Ngân: Thực sự TP không chỉ tập trung TP Thủ Đức, mà trong triển vọng phát triển của TP thì TP.HCM phát triển cả phía đông, tây, nam và bắc. Trong Nghị quyết 131 của Quốc hội không nói chỉ thành lập TP Thủ Đức mà cho phép được thành lập các TP. Do vậy, sắp tới TP sẽ chủ động thành lập thêm các TP chứ không chỉ riêng một TP ở phía đông. Nhưng thành lập TP phía đông trước vì cực đông đó đang hội tụ đầy đủ các điều kiện để phát triển. Đó là có các trục như Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia và nhiều đại học khác để đào tạo nguồn nhân lực, tạo ra sản phẩm nghiên cứu, ứng dụng vào Khu công nghệ cao. Tại đây có khu đô thị Thủ Thiêm cùng với trung tâm tài chính mang tầm khu vực và quốc tế; và đặc biệt khu vực phía đông kết nối với vùng trọng điểm, vùng đang có động lực tăng trưởng cao đó là vùng Đông Nam bộ, ngoài ra còn kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. |
Ý KIẾN CHUYÊN GIA
TS TRẦN DU LỊCH, chuyên gia kinh tế:
Phát huy vai trò là nơi khởi nghiệp của khu vực
TP.HCM là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước.
Do đó, trong bối cảnh mới, với quyết tâm đổi mới, TP.HCM sẽ gia tăng năng lực cạnh tranh và có nhiều bước tiến vượt bậc.
TP.HCM có đặc điểm thú vị là nơi lập nghiệp của doanh nhân cả nước nên trong thời đại mới, TP phải phát huy vai trò là nơi khởi nghiệp của khu vực, đi đầu trong chính sách khởi nghiệp, sáng tạo.
Hoạt động kinh tế trên địa bàn TP.HCM cần được duy trì là nơi mang tính thị trường nhất so với cả nước, đồng thời nâng cao vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế trong nước và giao thương quốc tế.
Để tiếp tục giữ vị thế là một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước, TP.HCM cần phải thiết lập ba nhân tố căn bản để nâng cao năng lực cạnh tranh gồm thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và xem đây là đặc điểm vượt trội của TP.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA):
Cần định hướng phát triển “đô thị nén”
Hiệp hội đề nghị khi xem xét điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM cần đảm bảo thực hiện cả hai nhiệm vụ. Thứ nhất là phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư mới. Thứ hai là chỉnh trang tái phát triển đô thị đối với các khu vực đô thị hiện hữu. Đồng thời, cần định hướng phát triển “đô thị nén”, chủ yếu là phát triển các tòa nhà phức hợp cao tầng, chung cư cao tầng để sử dụng quỹ đất tiết kiệm và hiệu quả, dành nhiều không gian mặt đất cho giao thông, các công trình dịch vụ, thương mại, tiện ích đô thị.
Đứng trước nguy cơ bị tác động rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu, ấm lên toàn cầu, nước biển dâng và đặc điểm cao độ địa hình, địa chất của TP.HCM, hiệp hội kiến nghị xác định trục phát triển đô thị đối với TP.HCM trên cả bốn hướng bao gồm: hướng đông (TP Thủ Đức), hướng nam ra biển, hướng tây - bắc và hướng tây, tây - nam.
Để phát huy thế mạnh và phối hợp hoạt động của các tỉnh, thành phố trong vùng, hiệp hội đề nghị TP thí điểm thành lập Hội đồng vùng TP.HCM do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo để phát huy vai trò động lực của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam, cũng như đối với cả nước và khu vực.
Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA):
Lắng nghe doanh nghiệp, không đùn đẩy trách nhiệm
Mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp chính là TP.HCM tiếp tục tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19. TP cần kiểm tra, giám sát, dập dịch thật tốt khi phát hiện để không lây lan ra diện rộng.
Trong nhiệm kỳ mới, TP.HCM cần xây dựng, tổ chức lại bộ máy quản lý gần gũi, lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp. Bộ máy đó phải thực sự cải cách hành chính, bộ máy phải thực hiện hiệu quả, không đùn đẩy trách nhiệm và làm khó doanh nghiệp.
Thứ ba, cần đẩy mạnh thủ tục giải ngân các dự án đầu tư công của TP.HCM, đặc biệt là đầu tư công trong lĩnh vực hạ tầng giao thông về đường sá, cầu cống, cảng… Hạ tầng giao thông của TP phải thông thoáng, nhanh chóng, thuận lợi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn, phát triển.
TP.HCM cần có những chính sách riêng hoặc kiến nghị Chính phủ có giải pháp kích cầu như giảm thuế VAT để tạo nên một thị trường tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, TP.HCM phải có trung tâm thông tin cung cấp tình hình thị trường trong nước và những thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp có thể tiếp cận, cập nhật, từ đó chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
PHƯƠNG MINH - QUANG HUY ghi