Ngày 10-12, tại TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết sáu nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”.
Liên kết còn nhiều bất cập
Sau hơn 3 giờ đồng hồ lắng nghe 53 câu hỏi của các đại biểu nông dân, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết, khát vọng vươn lên của nông dân và nhấn mạnh: Các thành viên Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của nông dân để hình thành chủ trương, giao các bộ, ngành thực hiện.
“Còn nhiều vấn đề tồn tại trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng. Thời gian ngắn không thể giải quyết chi tiết, thấu đáo tất cả câu hỏi nhưng qua buổi thảo luận hôm nay chúng ta có thể hình dung một cách hệ thống hơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm” - Thủ tướng nói và khái quát lại những vấn đề lớn mà bà con nêu ra.
Trước đó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi của nông dân xoay quanh ba nhóm vấn đề: Sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu thụ nông sản; vốn, đất đai và biến đổi khí hậu cùng vấn đề môi trường, nông thôn mới, các vấn đề xã hội ở nông thôn.
Thủ tướng đánh giá: ĐBSCL còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp. Các bộ, ngành cần có dự báo, có cơ chế hỗ trợ với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Cần cung cấp đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến thị trường, tiêu chuẩn xuất khẩu…
“Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm bảo an toàn thực phẩm và có những chủ trương mạnh mẽ như liên kết vùng, khu vực” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng kêu gọi nông dân phải biết đổi mới. “Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, kiến thức khoa học, thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại với nông dân. Ảnh: C.ANH
Thay đổi tư duy về nông nghiệp
Tại hội nghị, nhiều nông dân cũng đã đặt các câu hỏi liên quan đến đầu tư phát triển ĐBSCL và biến đổi khí hậu.
Nông dân Nguyễn Chí Dũng (Tiền Giang) băn khoăn về việc ĐBSCL có 1,5 triệu ha trồng lúa, là vùng đảm bảo lương thực quốc gia nhưng hiện hệ thống giao thông còn hạn chế (thường xuyên kẹt xe) khiến việc vận chuyển nông sản, vật tư khó khăn. “Chính phủ cần có chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông và nâng cao trình độ học vấn cho người dân để phát triển bền vững ĐBSCL” - ông Dũng nói.
Còn nông dân Dương Văn Tạo (xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, Trà Vinh) lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tăng, nguồn nước ngày càng cạn kiệt, lũ về muộn. “Tôi được biết cách đây hai năm, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị về biến đổi khí hậu ĐBSCL và nêu rõ quan điểm chỉ đạo về phát triển ĐBSCL bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vậy xin hỏi Thủ tướng, Chính phủ sẽ dành nguồn lực như thế nào để phát triển cho toàn vùng?” - nông dân Tạo hỏi.
Trực tiếp trả lời câu hỏi về vấn đề phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đã chỉ đạo ngành nông nghiệp chủ động vào cuộc, ưu tiên tập trung tổ chức triển khai bốn lĩnh vực then chốt. “Quan điểm của Đảng, Chính phủ đối với phát triển ĐBSCL là kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thuận theo quy luật tự nhiên nhưng có giải pháp với thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, các tình huống bất lợi. “Chủ trương phát triển ĐBSCL là lấy con người làm trung tâm, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng chất lượng hơn số lượng. Xác định biến đổi khí hậu, nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải thích nghi, biến thách thức thành thời cơ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong hội trường này, ai cũng có điện thoại thông minh, vậy có bao nhiêu người sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc, mẫu mã, giá cả? Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phải bắt đầu từ những việc như vậy. Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC |
Đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển đường thủy
Về hạ tầng, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải quy hoạch lại ĐBSCL rồi mới tăng cường đầu tư hạ tầng để phát huy hết hiệu quả. “Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ xem xét để có quy hoạch tốt nhất cho ĐBSCL” - ông nói.
Bộ trưởng cũng nêu quan điểm là ĐBSCL cần phải có liên kết vùng. “Chúng ta sẽ đầu tư thêm 2 tỉ USD (45.000 tỉ đồng), trong đó giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư 1 tỉ USD để đầu tư giao thông, hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt, đảm bảo an ninh nguồn nước” - ông Dũng nói.
Về hạ tầng giao thông, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận hệ thống hạ tầng giao thông của ĐBSCL còn kém. “Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận. Theo đơn vị đầu tư, việc thi công sẽ làm xuyên suốt, không nghỉ tết Nguyên đán. Đến cuối năm 2020, từ Trung Lương - Mỹ Thuận chúng ta có thể đi xe trên đường đá, trên một số đoạn nhựa, khi hoàn thành sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 1” - ông thông tin.
“Chúng ta cần phát huy hệ thống giao thông đường thủy bằng cách có những cơ chế, chính sách để hình thành các doanh nghiệp vận tải thủy, các công ty nhỏ liên kết lại thành các công ty tập đoàn để đủ sức cạnh tranh, đảm bảo khai thác có hiệu quả” - Bộ trưởng Thể nhận định.