TP.HCM hội đủ điều kiện thành trung tâm tài chính quốc tế

Ngày 6-4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ với 44 chuyên gia trí thức, doanh nghiệp kiều bào với chủ đề “Giải pháp xây dựng TP.HCM trở thành đô thị sáng tạo và trung tâm tài chính khu vực”.

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Xương sống trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm
Chia sẻ với chuyên gia kiều bào, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho biết những năm qua kinh tế của TP tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây quá trình phát triển có phần chững lại do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân về hạ tầng.
“Tiềm năng phát triển dịch vụ còn rất lớn, tuy nhiên TP muốn phát triển sẽ phải tính toán đầu tư cho hạ tầng công nghiệp và dịch vụ, xây dựng TP.HCM tương lai trở thành trung tâm tài chính quốc tế” - ông Phong nói.

Ông Peter Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, cho rằng từ lâu lãnh đạo TP.HCM đã nhìn thấy trung tâm tài chính là xương sống để phát triển nền kinh tế. Bởi vậy TP.HCM mới quy hoạch Thủ Thiêm trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

“Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được bởi gặp nhiều vướng mắc về chủ trương, chính sách. Đây là việc cần tháo gỡ, tháo gỡ liên tục mới được. Nếu không mở về cơ chế dù có xây tòa nhà dát vàng dát ngọc cũng không ai tới", ông nói.
Theo ông Hồng, TP.HCM hiện chưa có chính sách mở về thuế, hải quan và tài chính. TP cũng chưa biết tiếp cận dòng tiền thế giới đang chảy.
Ông Hồng cho rằng, TP.HCM cần ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tiếp cận được các tập đoàn tài chính lớn, hiểu được ngôn ngữ ngân hàng của các tập đoàn quốc tế. Mặt khác, tạo cơ chế rộng rãi, chính sách thuế bài bản, bình đẳng để thu hút đầu tư.
“TP.HCM cần trả lời được câu hỏi thành phố đang đứng vị trí nào, ở đâu so với các thành phố khác trong khu vực. So với những thành phố đó, TP.HCM thiếu gì để nhanh chóng bổ sung vào. Khi có cơ chế, định mức thành phố sẽ kêu gọi đầu tư” – ông Hồng nói.
Ngoài ra, theo ông Hồng trong danh sách kiều bào hiện có khoảng 1.700 trí thức là chuyên gia ngân hàng, kỹ thuật số liên quan đến ngân hàng nhưng rất khó mời họ về nước làm việc. Hiện họ làm ở các tập đoàn quốc tế lương từ 800.000 USD – 1 triệu USD/năm. Vậy phải tạo cơ chế mở để mời họ về.
Từ đó, ông Peter Hồng đề nghị cần thành lập quỹ tài chính kiều bào, và cam kết nếu chính sách thuận lợi trong vòng 3 năm quỹ này sẽ thu hút 3 tỉ USD về đầu tư, xây dựng TP.HCM. “Vấn đề lớn nhất ở đây chính là cơ chế, chính sách. Nếu có cơ chế tốt, tôi nghĩ chắc chắn TP.HCM sẽ xây dựng được trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế” - ông Peter Hồng khẳng định.

Kêu gọi những tập đoàn ở Mỹ đầu tư

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, kể lại câu chuyện cách đây mấy năm ông có đưa một số tập đoàn tài chính lớn ở Mỹ đang quản lý dòng tài chính lên đến 3.000 tỉ USD vào đầu tư ở TP.HCM.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu việt kiều. Ảnh: TÁ LÂM

Ban đầu các nhà đầu tư này dự kiến đầu tư khoảng 4-5 tỉ USD để thu hút dòng vốn khoảng 50 tỉ USD để phát triển TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, các tập đoàn tài chính của Mỹ dự tính xây dựng trung tâm tài chính quy mô quốc tế ở quận 2 và đã xúc tiến tiếp xúc với lãnh đạo TP.HCM cũng như lãnh đạo bộ ngành trung ương. Tuy nhiên, sau đó chính sách của TP.HCM thay đổi nên dự án không thành công.

“Việt kiều không có nhiều tiền nhưng chắt chiu đầu tư cho Việt Nam họ sẽ có. Dòng kiều hối gần 16 tỉ USD đổ về Việt Nam năm qua đã chứng minh điều đó” - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói và cho rằng nếu lãnh đạo TP.HCM muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì nên tìm đến và kêu gọi những tập đoàn của Mỹ nói trên.
Còn đối với đề xuất thành lập quỹ tài chính kiều bào, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đồng tình với sự tham dự của Bộ Ngoại giao, các đại sứ quán để huy động dòng tiền kiều bào đầu tư về Việt Nam.
Bà Phan Thanh Hà, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ tài chính tiền tệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (người đại diện cho ông Phạm Đỗ Chí, kiều bào Mỹ - do không đến tham dự hội nghị được), cho rằng có năm vấn đề cần giải quyết để xây dựng thành một trung tâm tài chính, trong đó TP.HCM phải có một môi trường kinh doanh tự do, cạnh tranh bình đẳng, không có rào cản để thu hút các doanh nghiệp đến đặt trụ sở.
Tiếp đó, TP phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền thành phố. Không như hiện nay có những thủ tục hành chính giải quyết rất chậm. Khi mở ra vấn đề tài chính, Nhà nước phải có sự giám sát chặt chẽ để không xảy ra những rủi ro.
Thúc đẩy nhanh cơ chế xây dựng trung tâm tài chính
Phát biểu kết luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết kinh tế TP chiếm 24% cả nước, kiều hối chiếm gần 50% và huy động vốn cho vay cũng lớn nhất cả nước, song như vậy vẫn chưa thực sự đúng tầm, vì thế TP.HCM sẽ thúc đẩy nhanh hơn cơ chế xây dựng trung tâm tài chính.
Theo ông Nhân, TP có nền kinh tế đô thị, công nghiệp chỉ chiếm 16% cả nước nhưng vẫn tiếp tục phát triển, gắn với công nghiệp công nghệ cao. Trong phát triển dịch vụ, TP phải rà soát lại quy hoạch hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ một cách tốt nhất. Dự kiến, đầu năm 2021, TP chạy thử tuyến metro 1 và các tuyến metro khác, các tuyến đường vành đai cũng đang triển khai.
Đặc biệt, ông Nhân chỉ rõ, từ năm 2020 trở đi, TP cần có các ngành đạt trình độ quốc tế, đầu tiên là giáo dục đào tạo. Đại học Quốc gia TP.HCM đang liên kết, đào tạo nhân lực (ngành du lịch, y tế…) đạt trình độ quốc tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm