Theo thông cáo chính thức của GEC công bố trên truyền hình quốc gia, vị thống đốc có tư tưởng cải cách Widodo đã đánh bại Chủ tịch đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) Prabowo Subianto, người chỉ giành được 46,85% số phiếu bầu.
Như vậy, ông Widodo chính thức được xác nhận là người thắng cử và sẽ lên nhậm chức sau khi đương kim Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono mãn nhiệm vào ngày 20/10 tới.
Những kết quả trên được công bố chỉ ít giờ sau khi ông Subianto tuyên bố rút khỏi tiến trình bầu cử với lý do đã xảy ra gian lận bầu cử.
Cùng rút lui với ông Subianto còn có đối tác liên danh tranh cử Hatta Radjasa cùng toàn bộ đội ngũ liên quan.
Tuy nhiên, theo đính chính sau đó của một nghị sỹ của đảng Gerindra đồng thời là cháu của ông Subianto, vị Chủ tịch đảng Gerindra "không rút khỏi tiến trình bầu cử mà chỉ rút khỏi quá trình kiểm phiếu," ám chỉ khả năng ông Subianto sẽ không công nhận kết quả chính thức do GEC vừa công bố.
Theo hiến định ở Indonesia, trong trường hợp ông Subianto không công nhận kết quả bầu cử với cáo buộc có gian lận hoặc sai phạm bầu cử thì Tòa án Hiến pháp sẽ có hai tuần để đưa ra phán quyết cuối cùng kể từ khi nhận được đơn khiếu nại.
Để đảm bảo an ninh, trật tự sau khi kết quả chính thức được công bố, Cảnh sát quốc gia Indonesia (POLRI) và Các lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) đã kêu gọi người dân và các tổ chức kiềm chế, bình tĩnh, tuân thủ luật pháp và đón nhận kết quả bầu cử một cách hòa bình.
POLRI thậm chí còn cho triển khai 137.000 cảnh sát trên toàn quốc, trong đó có 22.700 cảnh sát tại Jakarta, trong ngày 22/7.
TNI cũng cho triển khai 35.000 binh sỹ hỗ trợ cảnh sát và 10.000 binh sỹ trong chế độ trực chiến để đảm bảo an ninh cho đến ngày tổng thống đắc cử Widodo tuyên thệ nhậm chức.
Trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/7, khoảng 70,7% cử tri Indonesia đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử được được đánh giá là diễn ra suôn sẻ, trật tự và hòa bình.
Đây là cuộc bầu cử dân chủ lần thứ 3 tại đất nước Vạn Đảo kể từ khi bắt đầu công cuộc cải cách toàn diện vào năm 1998 và được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn sinh lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và đông dân thứ 4 trên thế giới. Hai cuộc bầu cử trước diễn ra năm 2004 và 2009./.
Theo Vietnam+